Sử dụng tài nguyên đất đa mục tiêu, bền vững

Để bảo vệ diện tích đất trồng lúa, đất rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, tại Phiên họp toàn thể lần thứ 3 của Ủy ban Kinh tế, có ý kiến gợi mở, quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất cần “khoanh định” diện tích các loại đất này. Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho rằng, thay vì khoanh định một diện tích đất cứng sử dụng cho các mục tiêu nêu trên, nhất là với đất trồng lúa thì cần có quy định về đặc điểm của loại đất này, tiêu chí xác định phù hợp từng vùng, đặc thù khí hậu, tương tự như cách xác định đất trồng rừng đã thực hiện trong thời gian qua.

Đất trồng lúa chuyển đổi mục đích sử dụng chưa được ghi nhận

Tại Phiên họp, Thường trực Ủy ban Kinh tế đã nêu ra vấn đề về việc rà soát, bảo đảm thống nhất số liệu giữa các cơ quan liên quan. Bởi, trước đây, nhiều ý kiến cũng nêu việc số liệu hiện trạng hay quy hoạch 3 loại rừng chưa có sự thống nhất giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Vậy bây giờ còn câu chuyện này không?

Thường trực Ủy ban Kinh tế cũng cho biết đã nhận được phản ánh của tỉnh Cà Mau về hiện tượng nhiều diện tích đất ở nông thôn, đất giao thông, đất sông, ngòi, kênh, rạch… trên các lâm phần chưa được kiểm kê, xác định đúng loại đất, vẫn là đất rừng làm ảnh hưởng đến phát triển kinh tế – xã hội địa phương (hơn 18.400ha). Ngoài ra, diện tích đất trồng lúa, đất rừng tràm kém hiệu quả, bị nhiễm mặn, người dân tự phát chuyển sang nuôi trồng thủy sản với diện tích rất lớn (58.343ha) nhưng chưa được ghi nhận. Nhiều diện tích đất trồng lúa, trồng cây lâu năm bị nhiễm mặn, chuyển sang nuôi trồng thủy sản chưa được chuyển đổi mục đích sử dụng. Vậy việc rà soát số liệu, hiện trạng đã chuẩn xác chưa? Thống kê đã đầy đủ chưa? – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Đoàn Thị Thanh Mai đặt câu hỏi.

Từ thực tế địa phương, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Thịnh (Bắc Giang) thừa nhận, có tình trạng chuyển đổi đất trồng lúa sang trồng cây ăn quả vì cho thu nhập cao, nhưng chưa được ghi nhận, tương tự như hiện tượng được Thường trực Ủy ban Kinh tế chỉ ra. Tuy nhiên, đại biểu tỉnh Bắc Giang nhấn mạnh, chính sách hỗ trợ trồng lúa đã và đang phát huy hiệu quả, giúp nâng cao thu nhập của nông dân. Hơn nữa, với chính sách phát triển du lịch gắn với nông nghiệp đã tạo ra nhiều không gian sinh thái, đem lại lợi ích cao hơn cho chủ sử dụng, nhiều cá nhân đã bày tỏ muốn kinh doanh trồng lúa. “Nếu diện tích đất trồng lúa cần giữ trên 3 triệu hecta là có căn cứ khoa học thì cần có thêm chính sách để nâng cao hiệu quả sử dụng đất trồng lúa, tăng thu nhập cho người trồng lúa, cũng như giữ diện tích đất này”, đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang nhấn mạnh.

Tương tự với đất trồng lúa, ông Phạm Văn Thịnh cho rằng, cần xem lại quan điểm chuyển rừng nghèo kiệt tự nhiên thành rừng sản xuất, vì chúng ta đã nhìn thấy tác động tiêu cực của việc làm này. Chuyển đổi rừng tự nhiên nghèo kiệt sang rừng sản xuất mà chủ yếu là trồng keo nguyên liệu đã làm tăng xói mòn đất, lũ quét, lũ ống, giảm nguồn sinh thủy, gây hạn hán cho người dân sống gần rừng. Việc trồng keo nguyên liệu chỉ mang lại thu nhập cho người dân ở mức thấp hơn nhiều so với lợi nhuận thu được từ rừng tự nhiên. Thực tế một số địa phương tại tỉnh Bắc Giang đã kiên quyết giữ lại diện tích rừng tự nhiên, không công nhận là rừng tự nhiên nghèo kiệt để chuyển thành rừng sản xuất. Sau đó, chính quyền địa phương phối hợp với người dân thực hiện khoanh lại diện tích rừng, triển khai canh tác sinh thái, qua đó mang lại thu nhập cao hơn cho người dân.

Không giảm các chỉ tiêu giúp phát triển bền vững 

Các thành viên Ủy ban Kinh tế cũng nhất trí cho rằng, chỉ tiêu đất trồng lúa, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, đất trồng rừng, di tích văn hóa lịch sử, hay đất xây dựng cơ sở văn hóa, giáo dục – đào tạo, thể dục – thể thao trong kỳ quy hoạch không được điều chỉnh giảm, chỉ có thể xem xét điều chỉnh tăng. Bởi đây là những diện tích đất góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững. Ngoài các chỉ tiêu này thì các chỉ tiêu khác có thể giao chính quyền địa phương điều chỉnh linh hoạt, phù hợp với sự vận động của thị trường, phục vụ hiệu quả cho phát triển kinh tế – xã hội địa phương và vùng kinh tế.

Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Mạnh Cường, dù Chính phủ đã xác định diện tích đất trồng lúa tập trung chủ yếu ở các vùng có điều kiện thổ nhưỡng, thủy lợi phù hợp, song cần có biện pháp cụ thể để bảo đảm các địa bàn có thổ nhưỡng tốt, thuận lợi cho trồng lúa đều được dành làm quỹ đất trồng lúa. “Nếu chỉ quy hoạch diện tích đất trồng lúa chung, không chỉ diện tích cụ thể dành cho trồng lúa sẽ khó bảo đảm hiệu quả thực thi chỉ tiêu này”, ông Nguyễn Mạnh Cường nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, một số Ủy viên Ủy ban Kinh tế cũng lưu ý, Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 5 năm 2021 – 2025 chưa đề cập nhiều đến việc tích hợp không gian sử dụng đất. Nhiều quốc gia trên thế giới đã sử dụng không gian quy hoạch đất rừng dùng cho cả mục đích phát triển du lịch, chăn nuôi đại gia súc để giảm thiểu ô nhiễm, tạo điều kiện cho rừng phát triển. Hay như, không gian đất nông nghiệp kết hợp với du lịch, các cánh đồng sinh thái phục vụ nhu cầu du lịch khám phá của người dân. Nếu không tính toán việc tích hợp sử dụng không gian thì sau này người dân, doanh nghiệp sẽ rất vất vả khi làm thủ tục cấp phép kinh doanh. Nếu chúng ta có định hướng trước thì thủ tục hành chính bên dưới sẽ thuận lợi hơn, đỡ vất vả cho doanh nghiệp và người dân.

Giải trình ý kiến của các thành viên Ủy ban Kinh tế, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, sẽ tiếp thu ý kiến về việc tích hợp không gian sử dụng đất và cam kết đưa vào quy định tại dự án Luật Đất đai (sửa đổi) để có thể sử dụng đất đa mục tiêu, mang lại nhiều lợi ích cho người dân, phù hợp với xu thế trên thế giới. Bộ trưởng cũng khẳng định, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang áp dụng công nghệ thông tin để xây dựng, cung cấp dữ liệu thông tin đất đai cả nước. Do vậy, hoạt động quản lý nhà nước liên quan đến điều tra, kiểm tra, thống kê đất đai hiện đều dựa trên nguồn số liệu chính xác.

Để bảo vệ diện tích đất trồng lúa, thay vì khoanh định cứng nhắc, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng, cần xây dựng quy định về đặc điểm của đất trồng lúa, tiêu chí xác định phù hợp gắn từng vùng, đặc thù khí hậu, tạo cơ sở cho các địa phương thực hiện xây dựng quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh. Đây là cách làm tương tự như cách xác định các loại đất rừng đặc dụng, rừng phòng hộ hay đất trồng rừng đã thực hiện trong thời gian qua và cho thấy hiệu quả thực tế.

Nguồn : https://daibieunhandan.vn