Vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã họp cho ý kiến về Quy hoạch Sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Kế hoạch Sử dụng đất 5 năm 2021-2025. Đây cũng là nội dung quan trọng trong chương trình nghị sự của Kỳ họp thứ Hai, Quốc hội khóa XV (khai mạc sáng 20/10 tới).
Theo Tờ trình của Chính phủ, chỉ tiêu diện tích đất trồng lúa của cả nước đến năm 2030 là 3.568.480 ha, giảm 348.770 ha so với năm 2020 (trong đó, đất chuyên trồng lúa nước còn 3.001.430 ha, giảm 174.770 ha). Cơ quan thẩm tra (Ủy ban Kinh tế của Quốc hội) nhận xét, chỉ tiêu này đã đáp ứng yêu cầu quy hoạch giữ ổn định 3,5 triệu héc-ta đất trồng lúa nhằm đảm bảo an ninh lương thực cho 104 triệu người theo dự báo dân số đến năm 2030.
Đáng chú ý là, Chính phủ đề xuất, trong số 3,568 triệu héc-ta đất trồng lúa, có thể cho phép quy hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng linh hoạt với diện tích khoảng 300.000 ha, nhưng được bảo vệ, không làm thay đổi tính chất, các điều kiện phù hợp để khi cần thiết vẫn trồng lúa trở lại.
Trước khi Quốc hội cho ý kiến về Quy hoạch Sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Kế hoạch Sử dụng đất 5 năm 2021-2025 và sẽ xem xét sửa đổi Luật Đất đai tới đây cần tiếp tục làm rõ hai nhóm vấn đề.
Thứ nhất, quy hoạch đất đai thế nào để đảm bảo an ninh lương thực, đảm bảo Việt Nam phải là một trong những “cường quốc” nông nghiệp của thế giới. Cạnh đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng các bộ, ngành liên quan nên rà soát việc quy hoạch hệ thống sân golf và cấp phép xây dựng sân golf. Vì theo ý kiến một số chuyên gia, số lượng sân golf như hiện tại đã tương đối nhiều.
Xét trong bối cảnh ưu tiên cho phát triển nông nghiệp, đất rừng và bảo vệ môi trường có nhất thiết cấp phép quá nhiều sân golf hay không? Cạnh đó, dẫu tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa thế nào chúng ta nên cân nhắc quy hoạch sử dụng đất theo yếu tố vùng, trên cơ sở giữ lại tối đa đất phì nhiêu phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, chỉ lập quy hoạch làm công nghiệp ở những nơi không có lợi thế về nông nghiệp.
Thứ hai, về vấn đề quy hoạch. Dù luật quy định, đối với quy hoạch tổng thể do Chính phủ ban hành, thì những quy hoạch thuộc địa phương quản lý thì thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố. Tuy nhiên, thời gian qua đã xảy ra hiện tượng quy trình đúng, nhưng cách làm lại ngược dẫn đến khiếu kiện.
Ví dụ, một mảnh đất có quy mô 5-30 ha ở địa phương ven biển, người dân đang thực hiện nghĩa vụ trồng rừng chắn sóng và sản xuất nông nghiệp. Một ngày có một doanh nghiệp đến và thấy rằng mảnh đất này có tiềm năng làm du lịch. Thế là doanh nghiệp đó, báo cáo chính quyền địa phương, đề xuất phương án đầu tư… làm thủ tục rồi tỉnh mới ban hành quy hoạch chi tiết. Trong khi đó, lẽ ra địa phương đó, căn cứ vào thực tế (vị trí địa lý, tiềm năng) chỉ đạo các ngành Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Du lịch (thậm chí thuê tư vấn) lập quy hoạch phân khu.
Hoàn thiện xong mới tiến hành mời gọi đầu tư. Nghĩa là chính quyền địa phương phải là người lập quy hoạch, chào mời, kêu gọi đầu tư… còn bổn phận của doanh nghiệp là xem có hợp để đầu tư hay không mà thôi. Làm như vậy, sẽ góp phần minh bạch hóa chính sách và không để xảy ra khiếu kiện về đất đai.
Nguồn : https://m.baomoi.com