Đó là nhận định của TS. Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế liên quan đến câu chuyện tín dụng cho Bất động sản và những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường hiện nay.
Ông Ánh khẳng định tín dụng cho bất động sản đã nhiều, là một sự nỗ lực rất lớn của các ngân hàng trong thời gian vừa qua. Quy mô tín dụng cho bất động sản đã lên tới 20% trong tổng tín dụng cho nền kinh tế.
Tức có nghĩa, cứ 5 đồng bỏ ra, đã có 1 đồng vào bất động sản. Cấp độ tăng tín dụng tới 24%, tức gần gấp đôi so với cấp độ chung tăng tín dụng cho nền kinh tế trong năm 2022. Như chúng ta đã nói, gần 70% vốn bất động sản là từ tín dụng.
Theo ông Ánh, xu hướng chung năm 2023 sẽ rất khả thi, có thể thực hiện được đó là lãi suất nói chung đối với bất động sản sẽ giảm.
Riêng về gói 120.000 tỉ đồng, chuyên gia này khuyến nghị các doanh nghiệp bất động sản trước khi nói về câu chuyện đáo hạn trái phiếu, phát hành trái phiếu riêng lẻ,… cần cơ cấu lại hoạt động kinh doanh. Trên cơ sở đó cần tái cơ cấu lại nguồn tài chính và sau đó mới bàn tới câu chuyện tái cơ cấu trái phiếu doanh nghiệp. Trong tái cơ cấu hoạt động kinh doanh và tái cơ cấu nguồn tài chính, các doanh nghiệp nên có phân khúc nhà ở xã hội, nhà ở cho người có thu nhập thấp.
Ông Ánh cho rằng, lãi suất gói 120.000 tỉ sẽ không cố định, chỉ thấp hơn lãi suất thị trường. Do đó, doanh nghiệp cần lưu ý về bài toán kinh doanh.
Nếu tập trung sang nhà ở xã hội rất cần chú ý bởi còn rất nhiều vấn đề phải xử lý để làm sao phát triển phân khúc này bền vững.
“Nghị quyết 08 sẽ chỉ cho chúng ta một lối thoát trong vấn đề trái phiếu doanh nghiệp đến hạn đáo hạn và sắp đáo hạn quy mô vài trăm ngàn tỷ trong năm 2023 và 2024. Nhưng không giúp cho các doanh nghiệp bất động sản trong việc phát hành các trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ mới.
Do đó, việc tái cơ cấu lại tài chính, trái phiếu doanh nghiệp là cơ hội để doanh nghiệp xử lý các khoản đã vướng mắc, củng cố, xây dựng niềm tin cho các nhà đầu tư và thị trường doanh nghiệp phát hành trái phiếu riêng lẻ.
Cũng theo vị này, chưa có một nội dung nào trong Nghị quyết 08 giúp cho các doanh nghiệp bất động sản trong việc biến trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ trở thành một kênh quan trọng, ổn định, bền vững bên cạnh những kênh tài chính hiện tại. Đây là một bài toán mà các doanh nghiệp bất động sản cần chú ý.
Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Chính phủ đã có nhiều hành động cụ thể, đưa ra chính sách nhằm giải quyết vấn đề trái phiếu đến thời điểm đáo hạn trong khoảng thời gian 2023 – 2024. Đơn cử như giúp doanh nghiệp có thể đàm phán với trái chủ để đẩy lùi thời gian đáo hạn, hoán đổi nợ trái phiếu sang tài sản khác… Các vấn đề này nhiều doanh nghiệp cũng đã và đang làm, nhưng với Nghị quyết 08, hành lang pháp lý đã được thiết lập để bảo vệ quyền lợi cho cả đôi bên.
Ngoài ra, còn có một điều giúp thị trường trái phiếu có thể “ấm” lên là quy định xác định tư cách nhà đầu tư chuyên nghiệp.
Trước đây, Nghị định 65 đã quy định rất chặt chẽ về điều này. Nhưng với Nghị định 08, nhà đầu tư không cần phải bắt buộc đáp ứng đủ các quy định, tạo điều kiện giúp gia tăng lượng lớn người mua có thể tham gia thị trường. Tuy nhiên, “ấm” thế nào còn phải tùy thuộc vào diễn biến thị trường và niềm tin từ nhà đầu tư.
“Chính các doanh nghiệp phải tự nỗ lực để có được niềm tin đó, với các hành động cụ thể như trả lãi vay đúng hạn cho trái chủ bằng nhiều cách khác nhau và chủ động đàm phán với họ. Nghị đinh 08 chỉ cho lùi 2 năm, nhưng nếu trái chủ tin tưởng doanh nghiệp, họ sẵn sàng cho doanh nghiệp lùi 5 – 7 năm, thậm chí 10 năm. Luật pháp cũng ko hề cấm điều này”, ông Thịnh nhấn mạnh.
Nguồn : cafeland.vn