Khi huyện trở thành quận

Thành phố Hồ Chí Minh đang định hướng phát triển các huyện Bình Chánh, Cần Giờ, Củ Chi thành thành phố giai đoạn 2021-2030; Nhà Bè và Hóc Môn phát triển thành quận giai đoạn 2021-2025. Mục tiêu này được xem là đòn bẩy phát triển kinh tế thành phố, nâng cao chất lượng sống của người dân.

Theo các chuyên gia kinh tế, việc định hướng để phát triển năm huyện ngoại thành lên quận và thành phố là chủ trương đúng. Tuy nhiên, để các địa phương này phát triển bền vững, đề án phải tính toán cụ thể về mặt quy hoạch, hướng phát triển, nguồn lực đầu tư, cơ chế quản lý, vận hành…

Được gì khi phố hóa ruộng vườn?

Theo Sở Nội vụ TP Hồ Chí Minh, năm huyện: Bình Chánh, Cần Giờ, Củ Chi, Hóc Môn và Nhà Bè là những địa phương có tốc độ đô thị hóa nhanh, trình độ dân trí, lối sống đô thị được hình thành rõ nét và không khác biệt nhiều so với các quận nội thành. Do đó, việc đầu tư xây dựng các huyện để chuyển lên quận hoặc thành phố thuộc TP Hồ Chí Minh, chuyển các xã, thị trấn thuộc huyện thành phường là hết sức cần thiết. Ông Trần Ngọc Hổ, nguyên Chủ tịch UBND quận 12 phân tích, khi lên quận hoặc thành phố, các địa phương này sẽ được hưởng các cơ chế chính sách của một quận nội thành, nhất là việc được gia tăng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, các chính sách an sinh xã hội. Việc chuyển đổi từ huyện lên quận sẽ có chuyển đổi cơ cấu sử dụng đất. Trước đây, đất dành cho nông nghiệp thì sẽ chuyển đổi thành đất dịch vụ, đất ở, đất thương mại dịch vụ… Quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng cũng thay đổi, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội được đầu tư nhiều hơn, tổng mức đầu tư xã hội cho địa bàn sẽ tăng nhiều hơn và bền vững hơn. Điểm nhấn của các quận mới thành lập là các đô thị thông minh, trung tâm thương mại, khu vui chơi giải trí, khu dịch vụ cao cấp về chăm sóc sức khỏe, kết nối đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội để nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

Trao đổi với chúng tôi, ông Võ Phan Lê Nguyễn, Phó Chủ tịch UBND huyện Nhà Bè cho biết: Theo tính toán, đến năm 2025, huyện Nhà Bè chỉ còn 109 hộ làm nông nghiệp, tỷ lệ là 0,1%. Dự báo đến năm 2030, Nhà Bè không còn hộ nào làm nông nghiệp. Như vậy, về cơ cấu đất thì Nhà Bè không còn là huyện nữa. Hiện nay, Nhà Bè đang triển khai nhiều chương trình và đề án phục vụ cho việc chuyển từ huyện lên quận. Đặc biệt, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện cũng đã thông qua chương trình phát triển đô thị huyện giai đoạn 2021-2025 và những năm tiếp theo. Qua đó, huyện đề ra chiến lược phát triển đô thị với trọng tâm là phát triển hạ tầng kỹ thuật để thúc đẩy phát triển kinh tế theo định hướng thương mại-dịch vụ-công nghiệp. Từ đó tạo động lực để thu hút đầu tư, phát triển các khu đô thị mới song song với giải quyết nhu cầu an sinh xã hội cho người dân. Tương tự, lãnh đạo huyện Hóc Môn cũng khẳng định, hiện địa phương này có hơn 50% diện tích là đất nông nghiệp nhưng tỷ trọng ngành nông nghiệp đóng góp cho kinh tế huyện chỉ khoảng 3%-4%. Do vậy, việc chuyển lên quận là phù hợp và sẽ tạo điều kiện thu hút đầu tư, tạo động lực để huyện phát triển tương xứng với tiềm năng hiện có. Đồng thời, đất đai được chuyển từ nông thôn sang đất đô thị sẽ khai thác tốt hơn hiệu quả sử dụng đất. Qua đó, người dân cũng sẽ sử dụng và khai thác đất đai có hiệu quả hơn.

Cần phát triển bền vững

Ông Trần Hoàng Quân, Giám đốc Sở Xây dựng thành phố cho rằng, nếu không giải quyết được bài toán quy hoạch thì các huyện khó mà lên quận hoặc thành phố. Phải xác định lộ trình và nguồn lực đầu tư để tránh tình trạng chính quyền chưa làm được nhiều nhưng giá đất trong dân tăng, ảnh hưởng đến việc bồi thường khi thực hiện công trình phúc lợi, dự án thương mại. Còn dưới góc nhìn của KTS Ngô Viết Nam Sơn, ông cho rằng, việc chuyển đổi từ huyện lên quận nên phát triển một cách tự nhiên, không nên ép phải lên cho bằng được. Địa phương nào đã hội tụ đầy đủ các tiêu chí, nền móng thì cứ lên quận hoặc thành phố. Còn nếu chưa đủ điều kiện thì các huyện vẫn tiếp tục phấn đấu để đạt các chỉ tiêu, không nên phải “chín ép” bằng cách bỏ ngân sách đầu tư cho đạt được các chỉ tiêu. Bởi hiện nay, TP Hồ Chí Minh đang cần một nguồn vốn rất lớn để đầu tư phát triển các công trình trọng điểm mang tính đột phá, đó là chưa kể, TP Thủ Đức cũng đang cần đầu tư rất nhiều nguồn lực để có thể là trung tâm tài chính, trung tâm công nghệ như mục tiêu TP Hồ Chí Minh đề ra. Do vậy, thành phố không nên đầu tư dàn trải, phân tán nguồn lực.

Đồng quan điểm, TS Nguyễn Hữu Nguyên (Hội Quy hoạch và phát triển đô thị TP Hồ Chí Minh) cũng cho rằng, phát triển huyện thành quận hay thành phố cần phải đặt trong tổng thể phát triển chung, bền vững của cả TP Hồ Chí Minh chứ không phải của riêng địa phương nào. Nhìn ở mặt tích cực, khi lên quận hay thành phố, các địa phương cấp huyện sẽ được đầu tư nhiều hơn, hạ tầng tốt hơn, GDP thu nhập và đời sống của người dân từ đó cũng tăng lên. Tuy nhiên, mặt trái của nó là dân số sẽ tăng lên, ô nhiễm nhiều hơn, bê-tông hóa nhiều hơn, ngập nước cũng nhiều hơn. Bởi hiện nay, TP Hồ Chí Minh đang đối mặt với tình trạng quá tải hạ tầng, ô nhiễm môi trường sống. Nếu bê-tông hóa, triệt tiêu không gian sông ngòi, đồng ruộng thì tình trạng ngập lụt, ô nhiễm sẽ trầm trọng hơn. Bài học của quá trình đô thị hóa trước đây đã cho thấy, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng ngập của TP Hồ Chí Minh hiện nay là do san lấp gần 50 con kênh tại khu vực nam Sài Gòn. Dân số càng tăng thì khoảng trống đô thị càng hẹp lại, ô nhiễm không khí và ô nhiễm mặt đất cao hơn.

Nguồn : https://nhandan.vn