Giải quyết vấn đề vốn và pháp lý để thị trường bất động sản hồi sinh

Sự hỗ trợ cả chính sách về vốn, tín dụng với thị trường bất động sản lúc này là cần thiết để giúp thị trường phục hồi.

Số liệu khảo sát của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) cho biết, trong 5 tháng đầu năm 2023, cả nước có trên 95% doanh nghiệp bất động sản phải thu hẹp quy mô hoạt động. Để ứng phó với bối cảnh khó khăn hiện tại, các doanh nghiệp phải tái cơ cấu hoạt động kinh doanh, tình hình tài chính, tinh giản tối đa bộ máy, cắt giảm lực lượng lao động…

Nhiều doanh nghiệp phải giảm quá nửa nhân sự, dừng triển khai công tác bán hàng cũng như phát triển các dự án mới do cạn kiệt nguồn tiền. Nếu thị trường bất động sản tiếp tục diễn biến khó khăn thì có tới 23% doanh nghiệp không thể duy trì hoạt động được tới hết quý III/2023 và chỉ khoảng 43% doanh nghiệp trụ được đến hết năm nay, VARS dự báo.

Số liệu khảo sát của nhiều đơn vị nghiên cứu cũng cho thấy, mức độ tác động của các chính sách hỗ trợ vẫn chưa đủ để cải thiện tình hình. Theo báo cáo 5 tháng đầu năm của DKRA Việt Nam, sức cầu toàn thị trường giảm 98% so với cùng kỳ với tỷ lệ tiêu thụ chỉ đạt 35% nguồn cung mở bán mới trong tháng. Thị trường tiếp tục bước vào giai đoạn cực kỳ thách thức vì các yếu tố liên quan như: pháp lý bế tắc, các chủ đầu tư chưa mạnh dạn ra hàng do sức cầu yếu.

Thiếu vốn đầu tư, thị trường tắc thanh khoản, dự án vướng pháp lý… đó là hàng loạt khó khăn của thị trường bất động sản. Và theo quan điểm của các doanh nghiệp thì hai vấn đề quan trọng nhất hiện nay để phục hồi hoạt động đó là dự án được gỡ vướng và tiền thật. Theo một con số báo cáo mới nhất từ phía Ngân hàng Nhà nước (NHNN), thì tín dụng bất động sản mới chiếm khoảng 20% tổng dư nợ toàn hệ thống, cơ cấu cho vay lành mạnh với tỉ lệ 65% cho vay người dân mua nhà, sửa nhà; 35% cho vay kinh doanh bất động sản. Chính vì vậy, các chuyên gia cho rằng ngân hàng hoàn toàn có thêm dư địa mở rộng tín dụng bất động sản.

Được biết, mới đây, NHNN đã có văn bản yêu cầu tổ chức tín dụng tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ đầu tư dự án bất động sản, người mua nhà tiếp cận tín dụng khi đáp ứng đầy đủ điều kiện cấp tín dụng theo quy định; tập trung nguồn đối với dự án bất động sản đủ điều kiện pháp lý, có khả năng tiêu thụ sản phẩm, có khả năng trả nợ vay đầy đủ và đúng hạn, đáp ứng nhu cầu thực của người dân, nhất là các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà ở phù hợp với thu nhập của người dân và các loại hình bất động sản phục vụ mục đích sản xuất, kinh doanh, an sinh xã hội có hiệu quả cao, có khả năng trả nợ và phát triển. Đồng thời, xem xét cấp tín dụng đối với cả chủ đầu tư, nhà thầu xây dựng, người mua nhà và các đơn vị sản xuất cung cấp vật tư, vật liệu xây dựng để tăng khả năng luân chuyển vốn và thanh khoản cho thị trường bất động sản

TS Nguyễn Duy Phương – Giám đốc đầu tư của DGCapital, nhận định đây là điều tích cực cho thị trường bất động sản, lý do bởi khi đó, áp lực chi phí vốn đối với chủ đầu tư sẽ giảm bớt nhờ tiếp cận được nguồn vốn vay với mức lãi suất hợp lý hơn. Từ đó, chủ đầu tư có thể đưa ra chính sách bán hàng hấp dẫn hơn, góp phần thúc đẩy thanh khoản trên thị trường bất động sản. Đồng thời, họ có thêm nguồn lực để hoàn thiện các dự án dang dở, cũng như triển khai dự án mới, qua đó tăng nguồn cung ra thị trường. Ngoài ra, việc ngân hàng hạ lãi suất sẽ tạo tâm lý tích cực hơn cho thị trường bất động sản. Tuy nhiên, các doanh nghiệp bất động sản cũng cần nhanh chóng tái cơ cấu sản phẩm, hướng tới phân khúc giá bình dân, phục vụ nhu cầu ở thực. Và quan trọng nhất là các vấn đề pháp lý dự án bất động sản phải được giải quyết triệt để.

Nguồn : laodong.vn