Ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản thành phố Hồ Chí Minh (HoREA) cho rằng, qua Hội nghị “Tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững”, Thủ tướng đã thấu hiểu được những khó khăn của doanh nghiệp, của thị trường bất động sản (BĐS), đồng thời có những chỉ đạo được kỳ vọng sẽ xoay chuyển thị trường BĐS hiện nay.
– Ông đánh giá thế nào về kết quả của Hội nghị trực tuyến toàn quốc “tháo gỡ và thúc đẩy thị trường BĐS phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững” vừa diễn ra?
Đây là hội nghị nhìn thẳng vào sự thật, phác họa lên được bức tranh thực, những vướng mắc khó khăn của thị trường BĐS.
Khi thị trường khó khăn thì phải có nhiều bên cùng nhau tháo gỡ chứ không thể nói một bên nào. Chính vì vậy, sự quan tâm, chỉ đạo của Thủ tướng như trong hội nghị sẽ giúp cho các doanh nghiệp có một điểm tựa, bàn đẩy phát triển thị trường.
Nhận định từ Hiệp hội cho thấy, thị trường BĐS khó khăn, vướng mắc chiếm 70% là về pháp lý. Từ vướng mắc pháp lý khiến cho thị trường bị lệch pha, mất cân đối về cung cầu, sản phẩm. Lấy ví dụ như tại TPHCM, thị trường đang có sự lệch pha rõ ràng. Thị trường nghiêng hẳn về nhà ở cao cấp, phân khúc này chiếm đến 78%, số còn lại là nhà ở trung cấp, không có nhà ở vừa túi tiền trong suốt 3 năm qua.
So với mô hình BĐS bền vững thì thị trường đang méo mó. Nếu vẽ một hình kim tự tháp thì nhà ở vừa túi tiền là đáy kim tự tháp, chiếm đa số trên thị trường. Kế đến là nhà ở trung cấp. Trên đỉnh kim tự tháp mới là nhà ở cao cấp, nhà ở siêu sang chỉ chiếm chóp rất nhỏ trên đỉnh. Nói vậy để thấy kim tự tháp BĐS ở nước ta đang lộn ngược đầu. Những chính sách điều chỉnh được kỳ vọng sẽ xoay chuyển thị trường một cách cân bằng.
– Ông có kỳ vọng gì về trách nhiệm của các ngân hàng trong việc tham gia hỗ trợ lĩnh vực BĐS, thưa ông?
Trong nguồn vốn của doanh nghiệp BĐS bao gồm: Tín dụng, trái phiếu, khai thác nguồn vốn từ sàn chứng khoán và vốn chủ sở hữu. Hiện tại các nguồn vốn này đều khó khăn. Ngay cả khi một số doanh nghiệp BĐS bắt đầu kêu gọi nguồn vốn FDI nhưng cũng có nhiều vấn đề đáng lo ngại. Trong đó có việc sức khỏe doanh nghiệp đang yếu, rất có thể nhiều doanh nghiệp bị thôn tính. Hiệp hội đã cảnh báo về vấn đề này.
Trong thời điểm khó khăn, dự thảo Nghị quyết của Chính phủ gửi kèm hội nghị đã đưa ra phương án: Cho phép giãn tiến độ trả nợ. Tôi hiểu đó là việc giữ nguyên nhóm nợ, cho cơ cấu lại nợ, không chuyển nợ xấu, đủ điều kiện có thể vay… Trách nhiệm cụ thể về vấn đề này thuộc các ngân hàng, nhưng đây là chuyển biến rất tích cực.
Tôi cũng ấn tượng với phát biểu của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng về việc dành một gói tín dụng cho lĩnh vực nhà ở xã hội trị giá 120.000 tỷ đồng với lãi suất cho vay cả người xây dựng và người mua nhà thấp hơn từ 1,5 – 2% lãi suất cho vay bình quân của các ngân hàng trên thị trường trong từng thời kỳ.
Đây mới là cam kết của 4 ngân hàng thương mại nhưng tôi hy vọng sẽ còn nhiều ngân hàng thương mại cùng tham gia gói hỗ trợ lãi suất cho người mua nhà. Bởi thực tế trong 3 năm dịch COVID-19 diễn ra, 28 ngân hàng thương mại nội địa vẫn đạt lợi nhuận ròng 21%. Điều đó cho thấy các ngân hàng thương mại chia sẻ với nền kinh tế rất ít.
Ngoài ra, vấn đề đau đầu của doanh nghiệp BĐS là trái phiếu cũng đã được Bộ Tài chính làm dự thảo sửa đổi Nghị định 65 sắp được ban hành. Đây là động lực cho các doanh nghiệp BĐS đang bị sức ép trái phiếu đáo hạn trong năm 2023, 2024. Điểm đặc biệt là dự thảo cho phép doanh nghiệp được thỏa thuận hoán đổi trái phiếu doanh nghiệp với các chủ trái phiếu theo pháp luật dân sự. Các tài sản có giá trị có thể hoán đổi như: Nhà, cổ phiếu doanh nghiệp…
– Ông nghĩ sao về quan điểm của Chính phủ trong hội nghị lần này?
Tôi đặc biệt ấn tượng với việc Thủ tướng Chính phủ cắt lời, đặt câu hỏi với Chủ tịch Tập đoàn Novaland Bùi Thành Nhơn. Lúc này tôi liên tưởng đến hình tượng của một thầy giáo hỏi bài một học sinh trên lớp khiến học sinh phải lúng túng. Những câu hỏi của Thủ tướng thể hiện Thủ tướng hiểu rất rõ về thị trường BĐS, thậm chí cả từng tập đoàn BĐS. Quan trọng hơn, Thủ tướng thể hiện rõ quan điểm cần chấn chỉnh, định hướng lại, đưa thị trường BĐS trở lại mục tiêu lành mạnh và bền vững.
Những câu hỏi này không phải là câu hỏi dành cho một tập đoàn, mà là cho tất cả các doanh nghiệp BĐS nói chung. Bài toán hài hòa lợi ích doanh nghiệp – người dân – nhà nước được đặt ra. Cần phải hài hòa lợi ích, chia sẻ rủi ro.
Cùng với sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ, các bộ ngành, địa phương thì doanh nghiệp BĐS cũng đẩy mạnh tái cấu trúc, thúc đẩy khởi công xây dựng nhiều hơn các dự án nhà ở xã hội, nhà ở giá rẻ, làm cho thị trường phát triển ổn định và bền vững trong tương lai.
Nguồn : tienphong.vn