Với những nỗ lực từ Chính phủ trong việc tháo gỡ khó khăn, thị trường Bất động sản được dự báo sẽ ấm dần lên và khởi sắc từ cuối quý 3.2023.
Tại buổi tọa đàm “Điểm sáng về cơ chế, chính sách cho thị trường bất động sản Việt Nam” do Hội môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) tổ chức mới đây, TS. Cấn Văn Lực, cho biết chưa bao giờ cụm từ “hỗ trợ”, “giải cứu thị trường bất động sản” xuất hiện nhiều như hiện nay. Điều đó cho thấy sự bất thường của thị trường bất động sản có thể gây ra những hệ lụy cho nền kinh tế.
Để tháo gỡ vướng mắc cho lĩnh vực này, ông Lực cho rằng chúng ta cần rút kinh nghiệm trong quá trình thực hiện, hỏi học từ quốc tế và tiếp cận đa chiều, từ đó đưa ra hai nhóm chính sách, ngắn hạn và dài hạn.
Về nhóm giải pháp ngắn hạn, ông Lực cho rằng các chính sách cần tập trung tháo gỡ vấn đề đang nóng nhất của thị trường, gồm pháp lý và vốn.
“Nếu tháo gỡ được vấn đề pháp lý thì hàng trăm dự án được giải toả, dòng tiền từ đây mà ra. Trong đó, tháo gỡ được vấn đề pháp lý chính là củng cố niềm tin cho thị trường”, ông Lực nói.
Về câu chuyện nguồn vốn, ông Lực cho rằng nóng nhất chính là vấn đề trái phiếu. Theo tính toán, khoảng 120.000 tỉ đồng trái phiếu bất động sản đáo hạn trong năm 2023, sang năm 2024 là khoảng 110.000 tỉ đồng. Do đó, việc mua lại lượng trái phiếu này đang gây áp lực rất lớn cho các nhà đầu tư bất động sản.
Nhiều doanh nghiệp lớn đang rất vất vả trong việc đàm phán, thương lượng… để giải quyết trái phiếu đáo hạn. Điển hình như những “lùm xùm” của Tập đoàn Novaland liên quan đến trái phiếu, gây xôn sao dư luận trong những ngày gần đây.
Về vốn tín dụng cho lĩnh vực bất động sản, vị chuyên gia này đề xuất cho phép cơ cấu lại nợ, giữ nhóm nợ. Theo ông, việc này có thể gây ý kiến trái chiều vì nhiều ngành cũng rơi vào hoàn cảnh cần cơ cấu nợ.
Ông không ủng hộ nới room tín dụng cho lĩnh vực bất động sản. Vì năm 2022 tín dụng cả hệ thống tăng trưởng 14,5%, riêng tín dụng cho bất động sản đã tăng trưởng 24,2% thì năm nay không thể cao hơn. Vấn đề của bất động sản là tắc ở trái phiếu doanh nghiệp.
Ông Lực nhấn mạnh lại thông điệp của Thủ tướng Chính phủ, cho rằng không phải Chính phủ bỏ rơi doanh nghiệp bất động sản!
“Bỏ rơi thì sao lại phải tổ chức họp trực tuyến toàn quốc, bỏ rơi thì làm sao lại có hàng loạt chỉ đạo về chính sách tín dụng, về tài khóa, về giãn, hoãn thuế, về cơ cấu nợ, về chấn chỉnh thị trường trái phiếu… Ý của Thủ tướng là doanh nghiệp cần nhìn nhận thẳng thắn những gì đã làm được, những gì chưa làm được để rút kinh nghiệm. Đó là cơ cấu thị trường mất cân đối và chúng ta đã làm vượt quá năng lực”, ông phát biểu.
Liên quan đến những vấn đề của thị trường bất động sản, PGS. TS Trần Đình Thiên cho biết Chính phủ đã vào cuộc một cách quyết liệt và mạnh mẽ. Điều này đang hé ra những điểm sáng nhất định, tạo động lực cho thị trường.
“Sự quyết liệt này không chỉ là sự quyết liệt cho ngành bất động sản. Nó là sự quyết liệt trước rủi ro của cả nền kinh tế. Chính phủ có động cơ rất mạnh và cơ bản, do đó, sự quyết liệt là thật và sẽ còn thực hiện tiếp”, ông Thiên nhận định.
Song, cũng theo chuyên gia này, những khó khăn về chính sách là cực kỳ khó tháo gỡ. Vì thế, bất động sản sẽ khởi sắc nhưng chậm, có thể đến quý 3.2023 thị trường mới bắt đầu tươi sáng lên.
“Các điểm sáng đó có thể tắt bất cứ lúc nào nếu như chúng ta không phản ứng một cách kịp thời, rõ ràng, đặc biệt là từ phía các bộ ngành”, ông nói thêm.
Nguồn : cafeland.vn