Chấn chỉnh hoạt động mua nhà ở xã hội rồi cho thuê, bán lại

Bộ Xây dựng yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố tăng cường rà soát hoạt động đầu tư, quản lý nhà ở xã hội trên địa bàn, đặc biệt là việc sử dụng nhà ở xã hội sai mục đích.

Bộ Xây dựng vừa có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương yêu cầu tăng cường kiểm tra, giám sát về quản lý, sử dụng nhà ở xã hội.

Theo cơ quan quản lý, trong những năm qua, hệ thống pháp luật về nhà ở ngày càng được hoàn thiện, nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ đã được ban hành nhằm khuyến khích phát triển nhà ở xã hội cho các đối tượng chính sách, khó khăn về nhà ở.

Tuy nhiên, thời gian gần đây đã ghi nhận một số tồn tại, bất cập, vi phạm trong công tác quản lý, sử dụng nhà ở xã hội tại một số địa phương như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Bình Định, Phú Yên, Đắk Lắk…

Trong đó, những bất cập, vi phạm phổ biến liên quan nhà ở xã hội là việc xét duyệt chưa đúng đối tượng được mua nhà, việc lập dự toán theo phương án tính giá bán của chủ đầu tư cũng chưa chính xác. Tại một số dự án nhà ở xã hội, chủ đầu tư, khách hàng còn tự ý thay đổi thiết kế công trình, căn hộ.

Ngoài ra, thị trường cũng ghi nhận nhiều trường hợp sử dụng căn hộ nhà ở xã hội không đúng mục đích, có hiện tượng mua nhà ở xã hội rồi bán lại.

Để kịp thời chấn chỉnh và khắc phục các tồn tại, bất cập trên, đồng thời tăng cường hiệu quả quản lý Nhà nước trong lĩnh vực nhà ở xã hội nhằm tránh tình trạng lợi dụng chính sách ưu đãi của Nhà nước, Bộ Xây dựng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các Sở ngành có liên quan tăng cường kiểm tra, giám sát việc quản lý, sử dụng nhà ở xã hội theo quy định pháp luật.

Trong đó, cơ quan quản lý hoạt động xây dựng yêu cầu tăng cường tiêu chuẩn trong việc xét duyệt đối tượng được mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội theo quy định trên địa bàn.

Với các đối tượng đã được mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội, UBND tỉnh, thành phố cần tăng cường quản lý, theo dõi việc sử dụng. Trong đó, giám sát và xác định các trường hợp bán lại, cho thuê, cho ở nhờ, không sử dụng hoặc sử dụng không đúng mục đích và việc tự ý thay đổi thiết kế công trình, căn hộ.

Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng cũng yêu cầu tăng cường công tác thanh tra, giám sát việc lập dự toán, xác định giá bán và giá bán thực tế của các chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội tại địa phương. Đồng thời làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan khi để xảy ra sai phạm, không xử lý dứt điểm.

Trường hợp phát hiện sai phạm trong hoạt động quản lý, sử dụng nhà ở xã hội, Bộ Xây dựng đề nghị xử lý nghiêm và đề xuất các biện pháp khắc phục.

Nguồn : https://zingnews.vn