Bộ Tài chính: Đánh thuế nhà, tài sản để dành của dân giàu

“Đánh giá tác động của nội dung đề xuất sửa đổi đối với kinh tế xã hội, doanh nghiệp, người dân, ngân sách Nhà nước (nếu có)”, Bộ Tài chính đề nghị.

Theo đó, Bộ Tài chính muốn các Bộ, ngành và địa phương đánh giá sự cần thiết của thuế nhà, thuế tài sản.

Cụt thể, trong đề cương tổng kết các chính sách thu với bất động sản để làm cơ sở sửa Luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp và Thuế sử dụng đất nông nghiệp, Bộ Tài chính đề nghị các Bộ, ngành và địa phương đánh giá chính sách thu hiện hành liên quan đến bất động sản bao gồm:

(i) Các khoản thu khi xác lập quyền sở hữu, quyền sử dụng và thu khi đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản (bao gồm Tiền sử dụng đất; Tiền thuê đất; Tiền bán nhà thuộc sở hữu Nhà nước; Lệ phí trước bạ); (ii) Các khoản thu trong quá trình sử dụng tài sản (bao gồm Thuế sử dụng đất nông nghiệp, Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp).

Với nội dung đánh giá bao gồm các kết quả đạt được trong thời gian có hiệu lực thi hành của các chính sách trên tính đến năm 2022 so với mục tiêu, yêu cầu đặt ra khi xây dựng (như hoàn thiện hành lang pháp lý trong quản lý, sử dụng đất đai đã góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, ổn định thị trường bất động sản, tăng thu ngân sách cho Nhà nước… ), bao gồm cả số liệu tổng quát thực tế.

Bộ Tài chính cũng muốn các Bộ, ngành và địa phương nêu rõ vướng mắc phát sinh (nếu có) và nguyên nhân; kinh nghiệm quốc tế trong việc xử lý vấn đề này.

Cùng với đó, đề xuất sửa đổi nội dung cụ thể tại Luật thuế sử dụng đất nông nghiệp và thuế sử dụng đất phi nông nghiệp cũng như bổ sung nội dung mới cần quy định tại Luật (bao gồm nội dung để xuất có gộp Luật thuế sử dụng đất nông nghiệp và Luật thuế sử dụng đất phi nông nghiệp hay không, bổ sung đánh thuế đối với nhà, nghiên cứu xây dựng luật thuế tài sản hay bất động sản (nếu có).

Bộ Tài chính đề nghị: “Đánh giá tác động của nội dung đề xuất sửa đổi đối với kinh tế xã hội, doanh nghiệp, người dân, ngân sách Nhà nước (nếu có)”.

Trước đó, hồi tháng 4/2018, Bộ Tài chính từng đưa ra đề nghị xây dựng Luật Thuế tài sản. Theo đó, Bộ này dự kiến đánh thuế đối với nhà, đất ở, tàu bay, du thuyền, ô tô có giá trị 1,5 tỷ đồng trở lên.

Với nhà ở, Bộ Tài chính xây dựng hai phương án đánh thuế: một là đối với nhà ở có giá trị từ 700 triệu đồng trở lên; Hai là nhà ở có giá trị 1 tỷ đồng trở lên.

Nhưng trước sự phản ứng của dư luận, kế hoạch này đã tạm dừng lại. Gần đây, khi thị trường bất động sản sốt đất khắp nơi, những ý tưởng về đánh thuế tài sản, chống đầu cơ lại được chú ý.

Trước đó, thời điểm tháng 6/2018, Bộ Tài chính cũng cho biết, thuế tài sản là loại thuế sớm hay muộn cũng cần được ban hành với mục tiêu đảm bảo công bằng xã hội, tạo nguồn thu mang tính chủ động của chính quyền địa phương. Vấn đề là, nên đánh thuế thế nào và thuế suất bao nhiêu.

Theo các đại biểu tại Hội thảo “Thuế tài sản – Một số gợi ý chính sách cho Việt Nam” do Viện Nghiên cứu truyền thông phát triển (RED) phối hợp với các cơ quan chức năng của Bộ Tài chính tổ chức ngày 26/6/2018, tại Hà Nội, nếu định nghĩa tài sản để đánh thuế, kê khai tài sản, ngưỡng chịu thuế không rõ ràng, sẽ gây mâu thuẫn, mù mờ, khó áp dụng hoặc tình trạng thuế trùng thuế.

Nguồn : https://kinhtemoitruong.vn