Môi trường lãi suất thấp, pháp lý có nhiều chuyển biến tích cực là một trong những nhân tố được dự báo sẽ thúc đẩy sự tăng trưởng của lĩnh vực bất động sản và xây dựng cơ bản trong thời gian tới.
Bất động sản phục hồi nhờ chung cư
Báo cáo chiến lược tháng 1.2022 của Công ty Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam (Masvn) đã đưa ra những nhận định khá lạc quan về thị trường bất động sản, nổi bật là phân khúc chung cư.
Theo đó, tại miền Bắc, phân khúc chung cư được dự báo sẽ phục hồi dần với giá nhà kỳ vọng tăng 5-10% trong 2022.
Trong khi đó, nguồn cung căn hộ ở miền Nam thể hiện sức bật trong thời điểm cuối 2021 và đầu 2022 với gần 10.000 sản phẩm được chào bán (chủ yếu ở dự án Vinhomes Grand Park), bằng cả giai đoạn 9 tháng năm 2021.
Dự báo trong năm 2022, giá nhà khu vực TP.HCM và các vùng lân cận sẽ tiếp tục tăng nhẹ do nguồn cung chưa hồi phục hoàn toàn và giá nguyên vật liệu xây dựng tăng cao.
Ở phân khúc bất động sản cho thuê, tại miền Bắc, nhóm nghiên cứu của Masvn cho rằng nguồn cung sẽ bắt đầu vượt quá nhu cầu trong năm 2022 khi kế hoạch khai trương một số TTTM nhiều khả năng sẽ bị lùi lại do dịch bệnh đang có chiều hướng phức tạp.
Khu vực Hà Nội đón nhận hơn 40.000m2 từ Vincom Smart City trong quý 4-2021, tăng tổng diện tích sàn lên 1 triệu m2.
Xét về giá, giá cho thuê TTTM (hiện đang quanh 50 USD/m2) sẽ tiếp tục đi ngang trong thời gian tới mặc dù nguồn cung gia tăng do giá cho thuê đã giảm đáng kể từ đầu năm 2021 khi dịch bệnh quay lại, và nhu cầu mua sắm có thể tăng trở lại sau thời gian dài cách ly.
Tại miền Nam, thị trường cho thuê tại TP.HCM bị ảnh hưởng nặng nề từ đợt dịch lần thứ 4, trong đó hầu hết các TTTM đều phải đóng cửa hơn 3 tháng.
Điều này cũng ảnh hưởng nghiêm trọng tới lịch mở cửa của nhiều TTTM như Socar Mall (40.000 m2), Central Mall East Saigon (39.000 m2), Sense City quận 9 (50.000 m2), Elite Mall quận 8 (42.000 m2).
“Chúng tôi kỳ vọng khi thành phố bắt đầu đi vào trạng thái bình thường mới, các TTTM kể trên sẽ bắt đầu khai trương trong 6 tháng đầu năm 2022, cung cấp hơn 216.000 m2 diện tích sàn cho thành phố. Giá cho thuê sẽ đi ngang hoặc phục hồi nhẹ”, nhóm nghiên cứu này cho hay.
Đối với bất động sản công nghiệp, báo cáo của Masvn cho biết trong 9 tháng đầu năm 2021 đã có 41 dự án đầu tư xây dựng hạ tầng KCN mới/mở rộng/điều chỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư với tổng diện tích khoảng 7.670ha, tương đương khoảng 9% nguồn cung hiện tại.
Giá thuê KCN miền Bắc duy trì đà tăng 21% trong 9 tháng 2021, trong khi miền Nam bị kìm hãm bởi dịch bệnh, chỉ tăng 7,3% (theo JLL) so với cùng kỳ năm trước. Thị trường KCN khu vực phía nam được dự báo sẽ sớm sôi động trở lại sau khi các biện pháp giãn cách được nới lỏng.
Theo Masvn, các doanh nghiệp có quỹ đất sẵn sàng cho thuê sẽ tiếp tục hưởng lợi cùng xu hướng ngành. Trong đó, các cổ phiếu có mức P/E thấp hơn trung bình ngành và có quỹ đất sẳn sàng khai thác từ 3 năm trở lên được đơn vị này ưu tiên lựa chọn.
Ngành xây dựng được hưởng lợi
Theo số liệu thống kê, thị trường xây dựng tại Việt Nam đạt giá trị 57,5 tỉ USD trong 2020 và dự kiến đạt khoảng 95 tỉ USD vào 2026, với tốc độ tăng trưởng bình quân dự kiến 8,7%/năm trong giai đoạn 2021-2026.
Trong đó, xuất khẩu, tiêu dùng và đầu tư công được xem là “cỗ xe tam mã” của Chính phủ trong hoạt động phục hồi và tăng trưởng kinh tế.
Trong thời gian 3-5 năm tới, đầu tư công là lĩnh vực được quan tâm đặc biệt và được Chính phủ tập trung nguồn lực cho các dự án hạ tầng nhằm kích thích tăng trưởng và hỗ trợ phục hồi kinh tế.
Trong năm 2021, kế hoạch vốn đầu tư công được giao của Bộ GTVT là 43.401 tỉ đồng và dự kiến đến hết tháng 01/2022 sẽ giải ngân đạt 96%. Cho năm 2022, kế hoạch vốn đầu tư công của Bộ GTVT dự kiến là 50,000 tỉ đồng.
Theo phân bổ kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, Bộ GTVT sẽ khởi công mới 67 dự án gồm: 6 dự án quan trọng quốc gia, 10 dự án nhóm A, 51 dự án nhóm B, C.
Trong đó, 6 dự án quan trọng quốc gia là: cao tốc Bắc Nam giai đoạn 2021-2025; cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng; cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột; Vành đai 4 Hà Nội; Vành đai 3 TP.HCM; Dự án mở rộng cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây.
Đáng chú ý, 12 dự án trong cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2021-2025 được đầu tư toàn bộ theo vốn ngân sách Nhà nước.
“Chúng tôi cho rằng điều này thể hiện Chính phủ đang khẩn trương và quyết liệt sử dụng đầu tư công là một trong những công cụ kích cầu đầu tư, tạo hiệu ứng lan tỏa cho nhiều nhóm ngành nghề, qua đó hỗ trợ phục hồi kinh tế. Vì thế những doanh nghiệp Xây dựng, xây lắp, hạ tầng đang niêm yết được kỳ vọng sẽ hưởng lợi trong làn sóng đầu tư công của Chính phủ”, nhóm nghiên cứu của Masvn nhận định.
Nguồn : https://cafeland.vn