Bất động sản Việt Nam: Đương đầu thách thức, đón chờ cơ hội

Theo Asia Property Awards, nền tảng kinh tế vững chắc và tầng lớp trung lưu đang mở rộng nhanh chóng khiến Việt Nam vẫn là thị trường hấp dẫn đối với các nhà đầu tư và phát triển Bất động sản.

Ngay cả trong đại dịch, thị trường bất động sản Việt Nam vẫn phát triển nhờ nhu cầu trong nước mạnh mẽ và các khoản đầu tư nước ngoài. Lĩnh vực bất động sản được kỳ vọng sẽ tiếp tục đóng một vai trò quan trọng trong hành trình phục hồi kinh tế hiện nay.

Tuy nhiên, tình trạng đóng băng của thị trường từ giữa năm 2022, chủ yếu ở lĩnh vực nhà ở, đã kéo dài sang Q1/2023 do các vướng mắc về pháp lý, tắc nghẽn tín dụng và thiếu khả năng tiếp cận vốn, hạn chế trái phiếu doanh nghiệp và niềm tin của nhà đầu tư giảm sút, theo ông David Jackson, CEO của Colliers Việt Nam.

Tuy nhiên, ông lưu ý rằng “những dấu hiệu tích cực đã được ghi nhận trong thời gian gần đây nhờ các biện pháp của chính phủ để điều chỉnh những vấn đề trong quá khứ, ổn định lãi suất, tung ra gói tín dụng trị giá 120 nghìn tỷ đồng và chương trình quốc gia về nhà ở xã hội, cùng với việc điều chỉnh hệ thống luật pháp.

Các bên tham gia vào ngành bất động sản buộc phải đánh giá lại khả năng, rủi ro và cơ hội của danh mục đầu tư trong bối cảnh kinh doanh và lãi suất cao hiện nay. Tuy nhiên, ông Jackson nhận định những bên có khả năng phục hồi sẽ thu được lợi ích về dài hạn.

Bất chấp nhiều thách thức, Q1/2023 chứng kiến khoảng 370 triệu USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đổ vào lĩnh vực bất động sản của Việt Nam, chủ yếu là nhà ở, văn phòng và bất động sản bán lẻ. Dòng vốn này mang đến triển vọng đầy hứa hẹn cho các nhà đầu tư dài hạn.

Bà Hằng Đăng, Tổng Giám đốc của CBRE Việt Nam cho biết bà kỳ vọng vào một số cơ hội mà dòng vốn đầu tư mang lại, bao gồm cả việc tăng tốc độ tăng trưởng kinh tế. Theo Oxfore Economics, GDP Việt Nam dự kiến sẽ phục hồi về mức gần 5% vào năm 2024 và 8% vào năm 2025.

Quá trình đô thị hóa nhanh chóng đã làm tăng nhu cầu về nhà ở và bất động sản thương mại tại Việt Nam. Bà Hằng cho rằng các nhà đầu tư có thể khai thác những cơ hội nói trên, đặc biệt là ở các thành phố lớn như Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội. Là một thị trường mới nổi với tầng lớp trung lưu trẻ ngày càng tăng, nhu cầu về nhà ở và không gian thương mại sẽ tăng lên, và các nhà đầu tư dài hạn có thể đạt mức tăng trưởng và lợi nhuận đáng kể.

Bên cạnh những cơ hội này, bà Hằng vẫn đưa ra một số điểm cần lưu ý với thị trường Việt Nam: “Các nhà đầu tư nước ngoài luôn quan tâm đến những rủi ro có thể gặp phải khi đầu tư vào bất kỳ thị trường mới nổi nào, bao gồm cả Việt Nam. Những rủi ro này bao gồm bất ổn chính trị, thay đổi quy định, biến động tiền tệ và tranh chấp pháp lý. Họ thận trọng khi đầu tư vào thị trường bất động sản Việt Nam và luôn cẩn thận tiến hành thẩm định kỹ lưỡng trước khi đưa ra bất kỳ quyết định đầu tư nào.”

Theo trang tin Business Times của Singapore, dù đại dịch Covid-19 làm gián đoạn hoạt động, thị trường bất động sản Việt Nam được dự đoán sẽ hồi phục trong dài hạn. Các nhà đầu tư có tầm nhìn dài hạn có thể sẽ được hưởng lợi, đặc biệt là nếu đầu tư vào các bất động sản sản bị định giá thấp nhưng có tiềm năng tăng trưởng cao.

Nguồn : cafeland.vn