Sáp nhập TPHCM hình thành siêu đô thị mới, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp

Việc sắp xếp, hợp nhất đơn vị hành chính cấp tỉnh giữa TP.HCM, Bình Dương và Bà Rịa – Vũng Tàu không chỉ là bước đi chiến lược trong tổ chức bộ máy hành chính mà còn là cơ hội để hình thành một siêu đô thị, động lực mới của vùng Đông Nam Bộ…

Chiều 15/4, Ban Chấp hành Đảng bộ TP.HCM khóa XI (nhiệm kỳ 2020 – 2025) đã tổ chức hội nghị lần thứ 39 (hội nghị chuyên đề).

Theo ông Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành ủy TP.HCM, đối với công tác sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp, phải đặt lợi ích Tổ quốc, nhân dân và Thành phố lên trên hết. Đội ngũ cán bộ trước hết phải tập trung tinh thần trách nhiệm cao nhất trước Đảng, trước nhân dân để hoàn thành nhiệm vụ lịch sử này.

HOÀN TẤT SẮP XẾP ĐƠN VỊ HÀNH CHÍNH VÀO THÁNG 9/2025

Tại hội nghị, Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM đã trình dự thảo Đề án sắp xếp, hợp nhất đơn vị hành chính cấp tỉnh. Đề án xây dựng phương án hợp nhất 3 đơn vị hành chính cấp tỉnh gồm tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, tỉnh Bình Dương, TP.HCM trên cơ sở thực hiện hai nhiệm vụ sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã; bảo đảm sau sắp xếp TP.HCM là thành phố trực thuộc Trung ương, phát huy tiềm năng và lợi thế của 3 tỉnh, thành phố về diện tích đất đai, quy mô dân số, các kết quả tăng trưởng kinh tế, phấn đấu là một cực tăng trưởng mới của cả nước và Vùng Đông Nam Bộ trong thời gian sắp tới.

Theo đó, TP.HCM mới sau sắp xếp, hợp nhất có diện tích 6.772,65 km2, quy mô dân số 13.706.632 người. Ngoài ra, sau sắp xếp, TP.HCM còn 102 đơn vị hành chính cấp xã, Bà Rịa – Vũng Tàu còn 30 và Bình Dương còn 36. Như vậy, TP.HCM mới sẽ có 168 đơn vị hành chính trực thuộc, hình thành siêu đô thị mới của vùng Đông Nam Bộ.

Tổng thu ngân sách Nhà nước năm 2024 của 3 tỉnh, thành phố khoảng 677.993 tỷ đồng. Số lượng cán bộ, công chức hiện có 22.878 người; viên chức có 132.110 người. Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh đối với việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, TP.HCM thống nhất chủ trương giảm khoảng 60% – 70% số lượng đơn vị hành chính cấp xã hiện nay theo tỷ lệ chung cả nước; đồng thời bảo đảm các tiêu chí theo quy định của Trung ương.

Đặc biệt tên gọi của các đơn vị hành chính cấp xã phải bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ, phù hợp với truyền thống, văn hóa, lịch sử, nhất là chọn những tên gọi tiêu biểu gắn với vùng đất, địa danh lịch sử đã ăn sâu vào tiềm thức, tâm tư, tình cảm của người dân. “Tên gọi phải nhận được sự đồng tình ủng hộ của người dân”, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên lưu ý.

Trong đó, chủ động xây dựng phương án nhân sự của cấp xã, lựa chọn, cơ cấu, bố trí cán bộ, công chức, viên chức phù hợp, có trình độ, năng lực đáp ứng các yêu cầu lãnh đạo và quản trị hiện đại; hoàn thành tổ chức thực hiện sắp xếp, tổ chức đơn vị hành chính cấp xã trước ngày 30/6/2025.

  • Triển khai thành lập tổ chức đảng cấp xã song hành với sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, đồng thời tập trung chuẩn bị kế hoạch kết thúc hoạt động của Đảng bộ, chính quyền, hệ thống chính trị cấp huyện, hoàn thành trước ngày 01/7/2025.
  • Phối hợp, tham mưu, bố trí, sắp xếp cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; bố trí trụ sở, trang thiết bị, các điều kiện bảo đảm phục vụ công tác của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các cơ quan chức năng của Thành phố, hoàn thành trước ngày 15/7/2025. Tham mưu chỉ đạo tổ chức đại hội đảng bộ cấp xã nhiệm kỳ 2025 – 2030 trình Ban Thường vụ Thành ủy trong tháng 6/2025 và hoàn thành tổ chức đại hội cấp xã trước ngày 15/8/2025.
  • Phối hợp chặt chẽ với tỉnh Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu triển khai Đề án sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh sau khi được cấp thẩm quyền phê duyệt, bảo đảm hoàn thành đi vào hoạt động trước ngày 15/9/2025. Hoàn thành việc tổng kết việc sắp xếp đơn vị hành chính các cấp trước ngày 20/9/2025. Hoàn thành Văn kiện Đại hội và Phương án nhân sự Đại hội trước ngày 30/9/2025. Tích cực và khẩn trương chuẩn bị mọi mặt, hoàn thành tổ chức Đại hội Đảng bộ Thành phố trước ngày 31/10/2025.

TẬP TRUNG GỠ VƯỚNG PHÁP LÝ, THÚC ĐẨY ĐẦU TƯ

TP.HCM đặt quyết tâm cao trong năm 2025 hoàn thành và vượt 22 chỉ tiêu kinh tế – xã hội đã đề ra, cùng với nhiệm vụ chung của cả nước là ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và bảo đảm các cân đối lớn. Bên cạnh đó, ông Nên lưu ý Thành phố cũng tập trung giải quyết các vụ việc tồn đọng; rà soát tháo gỡ nhanh các vướng mắc về đất đai, thủ tục, pháp lý để khơi thông nguồn lực đầu tư tư nhân; đồng thời tập trung cho công tác đầu tư công, bảo đảm tỷ lệ giải ngân năm nay đạt 95% trở lên.

Ngoài dựa vào động lực tăng trưởng truyền thống (đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu, du lịch), Thành phố cần chủ động tạo ra các động lực tăng trưởng mới như: công nghiệp bán dẫn, chế tạo vi mạch, năng lượng sạch, công nghiệp dược, xử lý rác và nước thải theo công nghệ tiên tiến. Đồng thời, triển khai khẩn trương các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, đặc biệt là về tín dụng, thuế phí và kích cầu tiêu dùng.

Bí thư Thành ủy TP.HCM cũng yêu cầu thực hiện nghiêm chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm và Công điện số 22 của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, rà soát, cắt giảm 30% thời gian xử lý thủ tục hành chính, 30% chi phí kinh doanh, 30% điều kiện kinh doanh không cần thiết; quyết liệt triển khai Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.

Nguồn: vneconomy.vn