Nhà Bè được đánh giá có nhiều lợi thế để trở thành đô thị vệ tinh của TP.HCM trước 2025 theo Kế hoạch về xây dựng Đề án đầu tư – xây dựng các huyện thành quận (hoặc thành phố thuộc TP.HCM) giai đoạn 2021 – 2030 được UBND TP.HCM ban hành tháng 05/2023.
5 đề án nhánh, bao gồm: Kinh tế đô thị; Hạ tầng đô thị; Bộ máy đô thị; Văn hóa đô thị và Con người đô thị, đang được xem là những nhiệm vụ trọng tâm của địa phương này để phát triển đồng bộ các vấn đề kinh tế, xã hội đạt chuẩn thành phố từ nay đến năm 2025.
Nhà Bè lựa chọn định hướng trở thành thủ phủ du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng, nối liền với tuyến du lịch đường sông của TP.HCM làm kim chỉ nam.
Nhà Bè sở hữu địa thế sông nước trù phú (có tới 5 nhánh sông đi qua: Sài Gòn, Đồng Nai, Nhà Bè, Lòng Tàu và Soài Rạp), cảnh quan thiên nhiên vẫn còn lưu giữ nhiều mảng xanh tự nhiên.
UBND TP.HCM ban hành kế hoạch đến năm 2025, sản phẩm du lịch đường thủy được khai thác trên tất cả các tuyến sông Sài Gòn (Nhà Bè, Soài Rạp, Lòng Tàu), liên kết Đồng Nai, Bình Dương, Tiền Giang, Long An, Bến Tre và các tuyến kênh nội đô với ít nhất là 10 chương trình du lịch đường thủy.
TP.HCM có 43 bến cảng chia thành 4 cụm. Nằm án ngữ trên đoạn đường thủy huyết mạch từ Biển Đông vào nội thành của TPHCM, Nhà Bè sở hữu 2 trong 4 cụm gồm khu bến cảng trên sông Nhà Bè, khu bến cảng trên sông Soài Rạp (Hiệp Phước).
Trong đó, cụm cảng Hiệp Phước là nơi hội tụ 4 cảng lớn: Cảng container quốc tế SPTC, cảng Sài Gòn – Hiệp Phước, Tân Cảng Hiệp Phước, cảng quốc tế Long An, được quy hoạch là Trung tâm Kho vận Logistics, trung tâm thông thương hàng hóa lớn nhất khu vực.
Đồng bộ với phát triển kinh tế, hạ tầng giao thông có nhiều bước tiến rõ ràng và quyết liệt trong năm 2023: cầu Long Kiểng hoàn thành trong 09/2023, cầu cây Khô theo tiến độ có thể hợp long vào cuối năm 2023, mở rộng đường Nguyễn Văn Linh.
Các trục đường chính được quy hoạch rõ nét hơn, đặc biệt là các tuyến Lê Văn Lương và Nguyễn Hữu Thọ là 2 trục đường liên kết Quận 7 và các quận trung tâm của TP.HCM với toàn bộ Nhà Bè một cách nhanh chóng nhất, mang ý nghĩa lớn về phát triển kinh tế.
Bên cạnh đó, việc đưa Nhà Bè lên thành phố có thể xem là một phần không thể thiếu trong sự phát triển lâu dài của TP.HCM. Hiện nay, TP.HCM đang chịu áp lực lớn với lượng dân cư đông đúc, tình trạng mất cân bằng dân số, giao thông thường xuyên ùn tắc… Vì vậy, việc phát triển các thành phố, các khu đô thi vệ tinh để kéo giãn dân về vùng ven giúp giảm tải cho khu vực trung tâm là giải pháp cấp bách và mang tính chiến lược.
Quyết định số 24/QĐ-TTg năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ “Dự báo dân số TP.HCM đến năm 2025 đạt khoảng 10 triệu người, khách vãng lai và người tạm trú dưới 6 tháng khoảng 2,5 triệu người” thì trên thực tế, TP.HCM đã đạt quy mô dân số này vào năm 2020.
Theo số liệu của Công an thành phố, dân số tại thành phố hiện nay đã đạt gần 13 triệu người, trong đó có 3 triệu người nhập cư. Theo bản quy hoạch vùng TP.HCM đến năm 2030 dự báo dân số khoảng 24 – 25 triệu người và tỷ lệ đô thị hóa đạt 70 – 75%.
Trong khi đó, quỹ đất tại các quận trung tâm đang tiến về số 0 khi nhu cầu về nhà ở nội đô tăng quá cao, các đô thị vệ tinh mới được gửi gắm sẽ là điểm đến an cư cho hàng chục triệu người dân TP.HCM trong 5-7 năm tới.
Nhà Bè sở hữu quỹ đất sạch lớn, vùng trũng về giá, điều này mang lại lợi ích cho người dân vẫn còn nhiều cơ hội và lợi thế sở hữu nhà ở với giá còn mềm. Kết với mô hình đô thị nén, các dự án nhà ở cao tầng được ưu ái phê duyệt trong những năm tiếp theo nhằm giải quyết vấn đề nhu cầu nhà ở đang tăng trưởng không ngừng nhưng vẫn đảm bảo cảnh quan đô thị và định hướng phát triển bền vững của thành phố nói chung, Nhà Bè nói riêng.
Các chuyên gia cũng nhận định, thiên thời, địa lợi, nhân hòa có đủ để Nhà Bè có thể phấn đấu đạt mục tiêu trở thành một trong những đô thị vệ tinh tiếp theo của TP.HCM chỉ trong 2 năm tới. Nhà Bè mở rộng cửa chào đón nhà đầu tư phát triển cảnh quan, bổ sung tiện ích mua sắm, giải trí đẳng cấp… xứng tầm thành phố vệ tinh.
Nguồn : cafeland.vn