Đây là nội dung Văn phòng Chính phủ truyền đạt kết luận của Thường trực Chính phủ về dự án ngăn triều 10.000 tỉ đồng tại TP.HCM.
Sau cuộc họp của Thủ tướng Phạm Minh Chính với các thành viên Thường trực Chính phủ về dự án giải quyết ngập do triều khu vực TP.HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (dự án ngăn triều 10.000 tỉ – giai đoạn 1), hiện đã có một số kết luận.
Dự án ngăn triều 10.000 tỉ được đầu tư theo hình thức BT và đã đạt 90% khối lượng. Trong quá trình thực hiện, dự án đã được Chính phủ, Thủ tướng quan tâm chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc tại nhiều văn bản. Điển hình nhất là nghị quyết số 40 năm 2021.
Báo cáo của UBND TP.HCM, dự án đang gặp khó khăn, vướng mắc trong quá trình tiếp tục triển khai thi công hoàn thành. Việc kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho dự án là rất cấp bách. Nhưng TP.HCM lại chưa báo cáo tình hình, kết quả thực hiện nghị quyết số 40 của Chính phủ.
Do đó UBND TP.HCM cần khẩn trương thực hiện và báo cáo cụ thể việc thực hiện. Đồng thời xác định rõ các khó khăn, vướng mắc, nhất là về pháp lý và đề xuất phương án giải quyết cho Phó thủ tướng Trần Lưu Quang, chậm nhất trong tháng 9.
Chính phủ cũng quyết định thành lập tổ công tác do Phó thủ tướng Trần Lưu Quang làm tổ trưởng, chủ tịch UBND TP.HCM làm tổ phó. Các lãnh đạo của bộ, cơ quan liên quan làm thành viên. Từ đó gỡ vướng cho dự án thông qua nghị quyết số 98 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM và nghị quyết số 40 của Chính phủ.
Việc xây dựng phương án, giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho dự án cần làm rõ cơ sở pháp lý và thẩm quyền quyết định. Việc này phải hoàn thành chậm nhất trong tháng 10. Đối với những vấn đề vượt thẩm quyền của TP.HCM, báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định.
Dự án ngăn triều 10.000 tỉ cần bảo đảm kịp thời, hiệu quả. Phải đúng quy định của pháp luật, sớm đưa vào sử dụng an toàn, chất lượng. Phát huy hiệu quả đầu tư, không để xảy ra thất thoát, lãng phí, tiêu cực.
Đặc biệt nếu công trình đã hoàn thành được 90% rồi thì trong quá trình chờ xử lý, đề nghị chủ đầu tư vận hành những gì có thể vận hành được. Qua đó góp phần chống ngập úng. Văn phòng Chính phủ sẽ theo dõi, đôn đốc theo chức năng, nhiệm vụ được giao.
Dự án ngăn triều 10.000 tỉ đồng được TP.HCM gia hạn đến cuối năm 2023, đồng thời Sở Kế hoạch và Đầu tư làm đầu mối phối hợp cùng các đơn vị liên quan xử lý các vướng mắc. Trong khi đó mỗi ngày chậm trễ, dự án sẽ phát sinh 1,46 tỉ đồng lãi vay.
Nguồn : tuoitre.vn