UBND tỉnh Đồng Nai cùng các sở, ngành liên quan vừa tổ chức họp để rà soát điều chỉnh quy hoạch phân khu C4 và quy hoạch chung TP Biên Hòa. Đây là động thái mới của tỉnh Đồng Nai sau khi Thủ tướng Chính phủ yêu cầu khẩn trương tháo gỡ những vướng mắc cho các dự án bất động sản của Tập đoàn Novaland.
Theo UBND tỉnh Đồng Nai, đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP Biên Hòa được điều chỉnh tổng thể vào tháng 7/2014, quy hoạch phân khu C4 được phê duyệt vào tháng 9/2016.
Tuy nhiên, tại thời điểm phê duyệt quy hoạch chung và quy hoạch phân khu đã chưa cập nhật đầy đủ các hồ sơ quy hoạch chi tiết 1/500 của các dự án được phê duyệt trước đó nên dẫn đến sự không đồng bộ, khác biệt giữa quy hoạch các cấp. Do có sự khác biệt giữa các quy hoạch, nhiều dự án khu đô thị, trong đó có những dự án của Tập đoàn Novaland đang phải tạm dừng triển khai xây dựng và kinh doanh.
Tháng 5/2023, theo kiến nghị của UBND tỉnh Đồng Nai và Bộ Xây dựng, Thủ tướng Chính phủ đã cho phép địa phương điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung TP Biên Hòa để sớm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án bất động sản. Theo đó, 4 dự án đang vướng pháp lý, gồm Khu dân cư Long Hưng, Khu đô thị Waterfront, Khu đô thị Aqua City, Khu đô thị dịch vụ thương mại cao cấp Cù lao Phước Hưng. Cả 4 dự án này đều thuộc phân khu C4 ở xã Long Hưng và phường Tam Phước, TP Biên Hoà.
Theo ông Cao Tiến Dũng – Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, TP Biên Hòa được yêu cầu phối hợp với Sở Xây dựng tiếp tục làm việc với Tập đoàn Novaland, làm rõ các nội dung đề xuất điều chỉnh quy hoạch chi tiết, lý do điều chỉnh, từ đó có cơ sở làm việc với cơ quan Trung ương.
“Việc đề xuất điều chỉnh quy hoạch chi tiết các dự án phải đáp ứng đủ các điều kiện cho phép. Đối với điều kiện để cho phép các chủ đầu tư bán nhà, những khu vực phù hợp với quy hoạch chi tiết, xây dựng đúng giấy phép.
Vừa qua, kết luận buổi họp kiểm tra tiến độ thực hiện tháo gỡ khó khăn, vướng mắc tại 156 dự án bất động sản của 121 nhà đầu tư trên địa bàn, ông Bùi Xuân Cường – Phó Chủ tịch UBND TPHCM yêu cầu, các đơn vị chủ động rà soát, giải quyết dứt điểm các chỉ đạo của lãnh đạo UBND TPHCM. Trong đó, tập trung xử lý các vướng mắc thuộc thẩm quyền giải quyết của các sở, ngành.
Tại Bình Thuận, ông Đoàn Anh Dũng – Chủ tịch UBND tỉnh đã ký văn bản đề nghị Bộ Tài nguyên Môi trường hướng dẫn giải quyết vướng mắc trong xác định giá đất cụ thể tính thu tiền thuê đất đối với dự án NovaWorld Phan Thiết của Tập đoàn Novaland.
Cụ thể, tỉnh Bình Thuận muốn được hướng dẫn việc xác định thời điểm định giá đất đối với dự án có nhiều thời điểm định giá khác nhau và phương pháp định giá, xác định chi phí phát triển… Tỉnh này cũng đề nghị hướng dẫn cụ thể về nội dung, suất đầu tư do Bộ Xây dựng ban hành và định mức, đơn giá do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành nêu tại điểm b khoản 3 Điều 6 Thông tư số 36/2014/TT- BTNMT có khác nhau không?
Để giải quyết dứt điểm vướng mắc tại dự án NovaWorld Phan Thiết, UBND tỉnh Bình Thuận đề nghị Bộ TN&MT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo thành lập Tổ công tác để hướng dẫn tỉnh Bình Thuận trong xác định giá đất để dự án sớm được triển khai đi vào hoạt động.
Nhiều dự án được gỡ khó
Thời gian qua, UBND TPHCM là địa phương tích cực họp riêng với các doanh nghiệp bất động sản để lắng nghe, tháo gỡ vướng mắc cho từng dự án. Đến nay, nhiều dự án ở TPHCM vướng mắc đã được tháo gỡ.
Cụ thể, giai đoạn 3 dự án Saigon Centre của Keppel Land, Sở Tài nguyên Môi trường đã có văn bản gửi Sở Kế hoạch Đầu tư TPHCM về việc điều chỉnh hồ sơ gia hạn thời gian thuê đất. Tại dự án Cao ốc văn phòng Park IX ở quận Tân Bình do Công ty CP Địa ốc Xây dựng và Thương mại Sài Gòn 9 làm chủ đầu tư, Sở TN&MT TPHCM đã có công văn báo cáo UBND TPHCM chấp thuận cho thuê phần đất hơn 90 m2 tăng thêm.
Đối với các kiến nghị của Công ty TNHH Thương mại Xây dựng Lê Thành, Sở TN&MT TPHCM đã có công văn trình UBND TPHCM xem xét, chấp thuận cho công ty nhận chuyển nhượng 23.100 m2 đất nông nghiệp để thực hiện các thủ tục đầu tư xây dựng dự án nhà ở xã hội Tân Kiên tại huyện Bình Chánh.
Với kiến nghị xây dựng Khu nhà ở trung tâm thương mại và siêu thị Đông Nam (quận Tân Phú) của Công ty CP Dệt Đông Nam, Sở Tài nguyên Môi trường đã có công văn kiến nghị UBND TPHCM chấp thuận cho công ty được chuyển mục đích sử dụng 56.157 m2 đất để thực hiện dự án.
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) cho biết, lãnh đạo UBND TPHCM đã nhiều lần trực tiếp gặp và lắng nghe một số doanh nghiệp trình bày khó khăn, vướng mắc của các dự án bất động sản trên địa bàn và đến nay đã có một số kết quả bước đầu.
UBND TPHCM đã xem xét và cho phép 5 chủ đầu tư của 5 dự án bất động sản, nhà ở thương mại, khu đô thị mới được huy động vốn với 50% số lượng sản phẩm nhà ở hình thành trong tương lai, tương đương với 5.432 căn hộ.
Nguồn : tienphong.vn