Kỹ thuật đo và xử lý số liệu GPS trong trắc địa công trình
Tiêu chuẩn này quy định các yêu cầu kỹ thuật về việc đo và xử lý số liệu GPS khi thành lập lưới khảo sát công trình, lưới khống chế mặt bằng phục vụ thi công và quan trắc chuyển dịch ngang công trình.
Quy định chung
Việc đo GPS trong trắc địa công trình cần được tiến hành theo một phương án kỹ thuật đã được phê duyệt nhằm xác định chính xác các giá trị tọa độ điểm GPS phục vụ cho việc thành lập lưới trắc địa công trình trong thời gian ngắn và đạt hiệu quả kinh tế cao, theo quy định tại TCVN 9398:2012.
Đo GPS trong trắc địa công trình được tiến hành theo các trình tự sau:
– Thu thập tài liệu gốc và số liệu gốc;
– Chọn hệ thống tọa độ và thời gian;
– Lập phương án kỹ thuật và trình duyệt;
– Chọn điểm và chôn mốc;
– Lựa chọn máy móc và thiết bị;
– Đo ngắm;
– Ghi sổ đo ngoại nghiệp;
– Xử lý số liệu;
– Báo cáo tổng kết và nộp thành quả.
Các cấp đo và phương pháp đo GPS nêu trong phương án kỹ thuật được chọn tuỳ thuộc vào yêu cầu độ chính xác xác định đại lượng cần bố trí, đại lượng dịch chuyển và đặc điểm của từng đối tượng công trình.
Khi sử dụng kết hợp công nghệ GPS và toàn đạc điện tử trong việc lập lưới khống chế thi công và quan trắc chuyển dịch biến dạng công trình cần tham khảo thêm tiêu chuẩn TCVN 9398:2012″Công tác trắc địa trong xây dựng nhà và công trình – Yêu cầu chung”.
Chọn điểm và chôn mốc GPS
Chọn điểm GPS
Người chọn điểm phải tìm hiểu yêu cầu, mục đích nhiệm vụ, điều kiện tự nhiên và xã hội của khu đo, dựa vào thiết kế kỹ thuật đã được phê duyệt để tiến hành khảo sát, chọn điểm lưới GPS ngoài hiện trường.
Vị trí các điểm GPS được chọn phải thoả mãn các yêu cầu sau:
– Vị trí điểm được chọn phải phù hợp với yêu cầu của thiết kế kỹ thuật, thuận lợi cho việc đo nối và cho các công tác đo đạc tiếp theo.
– Điểm chọn phải được đặt ở nơi có nền đất, đá ổn định, sử dụng được lâu dài và an toàn khi đo đạc.
– Vị trí điểm chọn phải thuận tiện cho việc lắp đặt máy thu và thao tác khi đo, có khoảng không rộng và góc cao của vệ tinh phải lớn hơn 150;
– Vị trí điểm chọn phải thuận tiện cho việc thu tín hiệu vệ tinh, tránh hiện tượng nhiễu tín hiệu do quá gần các trạm phát sóng và sai số đa đường dẫn (Multipath) do phản xạ tín hiệu từ các địa vật xung quanh điểm đo. Vị trí điểm chọn phải cách xa nguồn phát sóng vô tuyến công suất lớn (như tháp truyền hình, trạm vi ba) lớn hơn 200 m và cách xa cáp điện cao thế lớn hơn 50 m;
– Đi lại thuận tiện cho đo ngắm;
– Cần tận dụng các mốc khống chế đã có nếu chúng đảm bảo các yêu cầu nêu trên.
Công tác chọn điểm phải tuân theo các quy định sau:
– Vẽ sơ đồ ghi chú điểm ngay ở ngoài thực địa (kể cả các điểm đã có mốc cũ) đảm bảo mẫu ghi chú điểm GPS ở Phụ lục A;
– Tên điểm GPS có thể đặt theo tên làng, tên núi, địa danh, tên đơn vị, công trình. Khi tận dụng điểm cũ không đổi tên điểm. Số hiệu điểm cần được biên tập tiện lợi cho máy tính;
– Khi điểm chọn cần đo nối thuỷ chuẩn, người chọn điểm phải khảo sát tuyến đo thuỷ chuẩn ngoài thực địa và đề xuất kiến nghị;
– Khi tận dụng điểm cũ phải kiểm tra tính ổn định, sự hoàn hảo, tính an toàn và phù hợp với các yêu cầu của điểm đo GPS.
Chôn mốc
Quy cách của dấu mốc và mốc điểm GPS các cấp phải phù hợp với yêu cầu quy phạm hiện hành của Nhà nước.
Điểm GPS các cấp đều chôn mốc vĩnh cửu, khi chôn mốc đáy hố phải đổ gạch, sỏi hoặc đổ một lớp bê tông lót.
Mốc có thể đúc sẵn bằng bê tông cốt thép theo quy cách trong quy phạm hiện hành của Nhà nước rồi đem chôn, hoặc có thể đúc ở hiện trường, hoặc có thể lợi dụng nền đá, nền bê tông khoan gắn thêm dấu mốc ở hiện trường.
Đất dùng để chôn mốc GPS phải được sự đồng ý của cơ quan quản lý, người đang sử dụng đất cần làm thủ tục chuyển quyền sử dụng đất và làm các thủ tục uy quyền bảo quản mốc.
Các tài liệu phải bàn giao sau khi chọn điểm chôn mốc:
– Ghi chú điểm GPS;
– Sơ đồ lưới chọn điểm GPS;
– Hồ sơ cho phép sử dụng đất và giấy bảo quản mốc trắc địa;
– Tổng kết công tác kỹ thuật chọn điểm, chôn mốc.
TCVN 9401:2012 được chuyển đổi từ TCXDVN 364:2006.
NHƠN ĐỨC – CHÚNG TÔI GIÚP BẠN ĐỊNH VỊ CHỦ QUYỀN