Cơ hội trên thị trường bất động sản sẽ bắt đầu xuất hiện từ giữa năm 2023

Thị trường Bất động sản Việt Nam đang trải qua điều chỉnh để tiến tới một chu kỳ mới. Từ giữa năm 2023 trở đi, thị trường nhà ở có thể bắt đầu ổn định, tăng trưởng.

Colliers Việt Nam vừa công bố bản cập nhật thông tin về thị trường bất động sản Việt Nam trước cơ hội chuyển đổi với nhận định, khó khăn của thị trường bất động sản Việt Nam có điểm tương đồng với diễn biến tại các thị trường châu Á – Thái Bình Dương. Đó là làn sóng tháo chạy khỏi tài sản rủi ro cao, kéo theo quá trình tái lập giá. Dự báo các thị trường trong khu vực sẽ bắt đầu ổn định từ giữa năm 2023 trở đi.

Năm 2022, thị trường hứng chịu hai cú sốc liên tiếp gồm tắc nghẽn dòng tiền và thử thách niềm tin. Mặc dù một cuộc khủng hoảng toàn diện khó có thể xảy ra, năm 2023 được dự báo sẽ còn nhiều trở ngại trong bối cảnh bất ổn kinh tế toàn cầu kéo dài và biến động trong nước chưa thể giải quyết trong ngắn hạn.

Ba yếu tố lạm phát, lãi suất và suy thoái kinh tế thế giới tiếp tục cản trở đà hồi phục của các thị trường bất động sản trọng điểm trong khu vực châu Á Thái Bình Dương đến ít nhất nửa đầu năm 2023.

Trong bối cảnh đó, các nhà đầu tư chuyển sang chiến lược phòng thủ, dẫn đến làn sóng tháo chạy khỏi các tài sản rủi ro cao. Việt Nam cũng không thể tránh được quỹ đạo chung. Giao dịch trầm lắng kéo dài từ giữa năm ngoái đến nay chưa có dấu hiệu dừng lại. Tuy vậy, từng phân khúc ghi nhận tác động khác nhau.

Ông David Jackson, Tổng Giám Đốc Colliers Việt Nam nhận định, đây là thời điểm vàng để ngành bất động sản tái định hướng, gắn liền với các yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội như giải quyết vấn đề an cư, bất động sản cho sản xuất – kinh doanh.

“Một khi các nền tảng cung – cầu, giá cả – lãi suất và chính sách được củng cố, thị trường bất động sản sẽ được tạo đà tăng trưởng ổn định dài hạn và gia tăng sức chống chịu trước các cú sốc từ bên ngoài”, ông David Jackson cho biết.

Căn hộ, nhà phố sẽ khó đến hết quý 3

Dù căn hộ chung cư, nhà phố dẫn đầu về mức độ quan tâm về bất động sản trong xã hội nhưng nguồn cung và giá bán, cũng như thanh khoản dự kiến tiếp tục khó khăn đến ít nhất quý 3/2023.

Tâm lý thị trường nhìn chung sẽ theo hướng đòi hỏi tính minh bạch và tập trung vào các dự án định vị ở phân khúc tầm trung với giá hợp lý. Thị trường sẽ tăng trưởng mạnh hơn ở các khu vực có khu đô thị, khu dân cư mới gần khu công nghiệp. Loại hình nhà ở cho công nhân, nhà ở xã hội kỳ vọng nhận được nhiều sự quan tâm hơn từ chủ đầu tư, góp phần giải tỏa áp lực nhà ở cho người thu nhập trung bình thấp.

Trong khi đó, bất động sản công nghiệp – tài sản phòng thủ được đánh giá cao được dự báo sôi động nhất tại thị trường Việt Nam năm nay.

Tuy nhiên theo ông Vũ Minh Chí, Quản lý cấp cao Dịch vụ Công nghiệp Colliers Việt Nam, quỹ đất để phát triển công nghiệp ở Việt Nam không thiếu, nhưng việc tìm kiếm khu đất phù hợp cho nhà đầu tư cũng như quá trình thiết lập hoạt động lại là một câu chuyện khác.

Một trong những lý do cầu vượt cung là vì nguồn cung đất cho thuê trong khu công nghiệp, khu chế xuất chưa đáp ứng yêu cầu của nhà đầu tư về vị trí, diện tích, hạ tầng đi kèm, thời hạn thuê. Kể cả khi đã có quy hoạch hay chủ trương đầu tư, nhiều dự án bị vướng ở thủ tục bồi thường, giải phóng mặt bằng làm kéo dài thời gian xây dựng cũng như chi phí tuân thủ pháp lý.

Ngoài ra, các doanh nghiệp sản xuất đến từ những thị trường phát triển ngày càng quan tâm hơn đến hệ sinh thái xung quanh khu công nghiệp và các tiêu chí về phát triển bền vững: hạ tầng kỹ thuật, xử lý phát thải, khu dân cư, nhà ở cho công nhân; chuyên gia… Ngoài ra, vấn đề cấp phép, chính sách ưu đãi đầu tư và các dịch vụ hỗ trợ pháp lý khác cũng được nhà đầu tư đặc biệt lưu tâm.

“Trong bối cảnh cạnh tranh khu vực, các chiến dịch “trải thảm” đón nhà đầu tư cần đi vào giải pháp cụ thể, hành động thực tiễn từ địa phương, tạo điều kiện sẵn sàng để họ rót vốn nhanh và triển khai hiệu quả nhất có thể. Như vậy, giá thuê và các chi phí thiết lập ban đầu họ bỏ ra mới xứng đáng”, ông Chí nhận định.

Phân khúc bất động sản văn phòng cũng ghi nhận khách thuê ngày càng có những yêu cầu “khó tính” hơn, cho thấy sự thay đổi trong chiến lược tổ chức nhân sự và nơi làm việc những năm gần đây.

Mặc dù mô hình văn phòng truyền thống vẫn chiếm ưu thế tại Việt Nam, xu hướng làm việc linh hoạt ngày càng được chấp nhận rộng rãi. Điều này đặt ra yêu cầu tái thiết không gian làm việc theo hướng bền vững, linh hoạt mà vẫn đảm bảo gắn kết nội bộ.

Nguồn : cafeland.vn