Cắm mốc thửa đất

Cắm mốc thửa đất – ranh đất

– Nguyên tắc xác định ranh giới thửa đất, lập bản mô tả và mốc giới thửa đất được quy định rõ trong Luật Đất đai năm 2013 và các văn bản hướng dẫn thi hành. Mục đích của quá trình này là việc xác định ranh giới giữa các bất động sản liền kề với nhau nhằm hoàn thiện hóa bản đồ địa chính. Ranh giới phân định quyền chiếm hữu và sử dụng đất của người sử dụng đất với người sử dụng đất liền kề đối với một mảnh đất nhất định. Ranh giới sử dụng đất đai được xác định bằng mốc giới cụ thể do cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao đất hoặc cho thuê đất thực hiện khi giao đất, cho thuê đất trên thực địa, được ghi trong số quyết định giao đất, cho thuê đất và được mô tả trong hồ sơ.

Thực hiện đo đạc trên thực địa, áp dụng các phương pháp lập bản mô tả nhằm mục đích lập bản đồ địa chính, bản đồ vẽ địa chính, kiểm tra, đánh giá những sự tranh chấp giữa các chủ sử dụng đất liền kề nhau theo diện tích thực tế và đáp ứng cho công tác tiến hành thực hiện vấn đề xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.

Sử dụng đất đúng ranh giới là nghĩa vụ đầu tiên trong các nghĩa vụ chung của người sử dụng đất được quy định tại Luật Đất đai năm 2013. Sử dụng đất đúng mục đích, đúng ranh giới thửa đất giúp hoàn thiện công tác quy hoạch đất đai: hồ sơ địa chính, tài liệu về địa chính, đăng ký đất đai… nhằm tạo điều kiện cần thiết để nâng cao hiệu quả công tác giải quyết tranh chấp đất đai.

Theo quy định của luật dân sự, mốc giới là tài sản thuộc sở hữu chung của các chủ sở hữu các bất động sản liền kề, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Các chủ sở hữu bất động sản liền kề phải chịu các chi phí xây dựng, sửa chữa mốc giới, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Đối với cây là mốc giới chung nếu có hoa lợi thì các bên hưởng phần mà mốc giới đó nằm bên phần đất của chủ đất đó. Không được trổ cửa, lỗ thông khí hoặc đục tường trong trường hợp mốc giới chung là tường nhà, tường bao gạch, bê tông chủ sở hữu bất động sản liền kề. Trong trường hợp mốc giới ngăn cách chỉ do một bên tạo nên thì mốc giới ngăn cách đó là của chung nếu các bên đồng ý và bên nào tạo nên mốc ranh giới thì bên đó phải chịu chi phí xây dựng tránh tình trạng tranh chấp liên quan đến ranh giới quyền sử dụng đất. Nếu chủ sở hữu bất động sản liền kề không đồng ý mà có lý do chính đáng thì chủ sở hữu đã dựng xây phải hủy bỏ, tháo dỡ.

Theo nội dung tại Điều 11 Thông tư 25/2014/TT-BTNMT ngày 19 tháng 05 năm 2014 nguyên tắc xác định ranh giới thửa đất, lập bản mô tả ranh giới, mốc giới thửa đất như sau:

Xác định ranh giới thửa đất ( Cắm mốc thửa đất – ranh đất)

– Trước khi đo vẽ chi tiết, cán bộ đo đạc phải phối hợp với người dẫn đạc (là công chức địa chính cấp xã hoặc cán bộ thôn, xóm, ấp, tổ dân phố… để được hỗ trợ, hướng dẫn việc xác định hiện trạng, ranh giới sử dụng đất), cùng với người sử dụng, quản lý đất liên quan tiến hành xác định ranh giới, mốc giới thửa đất trên thực địa, đánh dấu các đỉnh thửa đất bằng đinh sắt, vạch sơn, cọc bê tông, cọc gỗ và lập Bản mô tả ranh giới, mốc giới thửa đất để làm căn cứ thực hiện đo đạc ranh giới thửa đất; đồng thời, yêu cầu người sử dụng đất xuất trình các giấy tờ liên quan đến thửa đất (có thể cung cấp bản sao các giấy tờ đó không cần công chứng, chứng thực).

– Ranh, giới thửa đất được xác định theo hiện trạng đang sử dụng, quản lý và chỉnh lý theo kết quả cấp Giấy chứng nhận, bản án của tòa án có hiệu lực thi hành, kết quả giải quyết tranh chấp của cấp có thẩm quyền, các quyết định hành chính của cấp có thẩm quyền có liên quan đến ranh giới thửa đất.

– Trường hợp đang có tranh chấp về ranh giới thửa đất thì đơn vị đo đạc có trách nhiệm báo cáo bằng văn bản cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có thửa đất để giải quyết. Trường hợp tranh chấp chưa giải quyết xong trong thời gian đo đạc ở địa phương mà xác định được ranh giới thực tế đang sử dụng, quản lý thì đo đạc theo ranh giới thực tế đang sử dụng, quản lý đó; nếu không thể xác định được ranh giới thực tế đang sử dụng, quản lý thi được phép đo vẽ khoanh bao các thửa đất tranh chấp; đơn vị đo đạc có trách nhiệm lập bản mô tả thực trạng phần đất đang tranh chấp thành 02 bản, một bản lưu hồ sơ đo đạc, một bản gửi Ủy ban nhân dân cấp xã để thực hiện các bước giải quyết tranh chấp tiếp theo theo thẩm quyền.

Bên cạnh đó căn cứ Điều 175 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định:

“Điều 175. Ranh giới giữa các bất động sản

  1. Ranh giới giữa các bất động sản liền kề được xác định theo thỏa thuận hoặc theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Ranh giới cũng có thể được xác định theo tập quán hoặc theo ranh giới đã tồn tại từ 30 năm trở lên mà không có tranh chấp. Không được lấn, chiếm, thay đổi mốc giới ngăn cách, kể cả trường hợp ranh giới là kênh, mương, hào, rãnh, bờ ruộng. Mọi chủ thể có nghĩa vụ tôn trọng, duy trì ranh giới chung.
  2. Người sử dụng đất được sử dụng không gian và lòng đất theo chiều thẳng đứng từ ranh giới của thửa đất phù hợp với quy định của pháp luật và không được làm ảnh hưởng đến việc sử dụng đất của người khác. Người sử dụng đất chỉ được trồng cây và làm các việc khác trong khuôn viên đất thuộc quyền sử dụng của mình và theo ranh giới đã được xác định; nếu rễ cây, cành cây vượt quá ranh giới thì phải xén rễ, cắt, tỉa cành phần vượt quá, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.” Nếu quý khách hàng có nhu cầu tư vấn pháp luật hoặc yêu cầu luật sư tham gia các vụ việc , vui lòng liên hệ Văn phòng luật nhà đất để được hỗ trợ pháp lý kịp thời.

Hoặc tham khảo thêm nhonduc.vn ở mục tư vấn pháp lý.

NHƠN ĐỨC –  CHÚNG TÔI GIÚP BẠN ĐỊNH VỊ CHỦ QUYỀN

  • Hotline: 090 696 09 78
  • Website: nhonduc.vn
  • Địa chỉ:  867 Nguyễn Bình ấp 2, Xã Nhơn Đức, Huyện Nhà Bè, TP Hồ Chí Minh.