Doanh nghiệp BĐS muốn được tháo gỡ hàng rào pháp lý

Cơ chế chính sách đối với thị trường BĐS hiện nay còn những hạn chế nhất định. Các doanh nghiệp, chuyên gia cho rằng cần gỡ vướng mắc pháp lý, tập trung phê duyệt dự án mới.

Ngày 25/11, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam tổ chức hội thảo: “Một số kiến nghị và giải pháp tháo gỡ khó khăn để phục hồi thị trường bất động sản trong giai đoạn hiện nay”.

Hội thảo có sự tham dự của ông Nguyễn Văn Sinh, Thứ trưởng Bộ Xây dựng; đại diện Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng); đại diện Bộ Tài nguyên Môi trường và lãnh đạo các cơ quan Trung ương và địa phương; lãnh đạo Hiệp hội Bất động sản Việt Nam.

“Hàng rào barie, chốt chặn” của thị trường BĐS

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh đánh giá dù thể hiện vai trò quan trọng trong nền kinh tế, thị trường BĐS Việt Nam nói chung và các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này nói riêng thời gian qua chưa thực sự phát huy hết tiềm năng và thế mạnh, nhiều mảng thị trường chưa được khai thác và đầu tư có hiệu quả.

BĐS công nghiệp, du lịch, giải trí mới chỉ tập trung ở một số vùng miền, chưa tạo được động lực và sức hút sâu rộng ở các địa bàn trong cả nước; nhiều phân khúc thị trường còn gặp những rào cản, vướng mắc lớn; nguồn tài nguyên đất đai tiềm năng chưa được khai thác một cách tối ưu…

“Cơ chế và chính sách đối với thị trường BĐS còn những hạn chế nhất định. Nhiều vấn đề mới được đặt ra cần tiếp tục nghiên cứu và có giải pháp phù hợp hơn như pháp lý cho các loại hình BĐS du lịch, BĐS văn phòng kết hợp nhà ở, trung tâm thương mại…”, Thứ trưởng Bộ Xây dựng nói.

Đồng quan điểm, PGS.TS Nguyễn Quang Tuyến, Trưởng khoa Pháp luật Kinh tế, Đại học Luật Hà Nội, nhìn nhận 3 đạo luật liên quan trực tiếp đến thị trường BĐS là Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh BĐS đang có những chồng chéo, chưa thống nhất gây khó khăn cho hoạt động đầu tư, kinh doanh của các doanh nghiệp BĐS.

Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch GP Invest, cũng cho rằng ách tắc lớn nhất trên thị trường BĐS hiện nay là khung pháp lý. Theo ông Hiệp, đối với các doanh nghiệp BĐS, “hàng rào barie” lớn nhất hiện tại có lẽ là quy định phải có 100% đất ở hoặc “dính” đất ở mới được phê duyệt chủ trương đầu tư dự án nhà ở thương mại.

Đại diện GP Invest thông tin hiện có khoảng 400 dự án trên toàn quốc đang bị ách tắc bởi quy định này, do chỉ có khoảng 5% doanh nghiệp có thể đảm bảo 100% đất ở, còn đa phần doanh nghiệp sở hữu các loại đất khác hoặc đất hỗn hợp (đất phi nông nghiệp, đất nông nghiệp được chuyển đổi mục đích sử dụng đất sang đất ở).

“Doanh nghiệp mong sửa đổi các vướng mắc, khó khăn về thủ tục pháp lý như ‘mong mẹ về chợ’. Sửa đổi được quy định này là nhấc được barie lớn nhất, góp phần khơi thông các dự án, phục hồi thị trường nhà ở, gia tăng nguồn cung trên thị trường”, ông Hiệp bày tỏ.

Gỡ khó cho doanh nghiệp thế nào?

Để phục hồi và phát triển thị trường bất động sản, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, kiến nghị cần phải xây dựng lại quy trình triển khai thực thi các thủ tục và công khai, minh bạch, cụ thể là các bước chấp nhận chủ đầu tư, thu tiền sử dụng đất…

PGS.TS Trần Kim Chung, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, thì cho rằng cần hướng đến các chủ thể khác nhau với các nhóm chính sách khác nhau, trong đó chú trọng chính sách nâng đỡ những doanh nghiệp mạnh, những địa bàn thuận lợi.

Cụ thể, cần gỡ vướng mắc pháp lý, tập trung phê duyệt dự án mới; giảm thuế, phí, không phạt chậm nộp thuế phí và các nghĩa vụ tài chính liên quan đến BĐS. Cần có chính sách cứu những doanh nghiệp khó khăn, những địa bàn khó khăn, đơn cử như đề xuất xem xét giảm 2 điểm % lãi suất cho vay để doanh nghiệp bất động sản giảm gánh nặng lãi suất trong giai đoạn phòng tránh Covid-19.

Bên cạnh đó, hỗ trợ thị trường BĐS thông qua phát triển cơ sở hạ tầng; tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng, đẩy mạnh giải ngân đầu tư công; đẩy mạnh tỷ lệ giải ngân đầu tư công có tác động mạnh đến thị trường BĐS, giải ngân đầu tư công thấp sẽ làm cho thị trường BĐS không được hưởng lợi từ vốn ra khỏi hệ thống để vận hành vào nền kinh tế.

Trong khi đó, TS Vũ Đình Ánh đề xuất giải pháp khơi thông dòng vốn cho thị trường BĐS phục hồi sau dịch bệnh. Theo đó, quan trọng nhất là củng cố và nâng cao tiềm lực tài chính của doanh nghiệp BĐS thông qua phục hồi quy mô doanh thu và lợi nhuận cũng như tăng quy mô vốn chủ sở hữu và vốn tự có của doanh nghiệp.

Ông Ánh cho rằng các chính sách giãn hoãn, miễn giảm thuế, tiền thuê đất, tiền sử dụng đất và các nghĩa vụ thu nộp ngân sách Nhà nước khác có tác dụng tích cực giúp sớm phục hồi tiềm lực tài chính của doanh nghiệp BĐS.

Nguồn : https://zingnews.vn